Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bản làng miền núi Thanh Hóa đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

PV - 11:08, 28/11/2022

Bằng sự nỗ lực của người dân địa phương, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều bản làng vùng cao Thanh Hóa thay da đổi thịt nhờ xây dựng thành công bản nông thôn mới (NTM).

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân xây dựng nông thôn mới một số tuyến đường giao thông ở thôn, và điểm trường bản xã Quang Chiểu được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân xây dựng NTM một số tuyến đường giao thông thôn được xây dựng bê tông tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa

Thay đổi diện mạo những bản nghèo

Có dịp đến với xã vùng cao Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo mới của xã vùng biên này. Quang Chiểu cách trung tâm huyện Mường Lát 24 km về phía Tây Nam, có 24 km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Xã có 4 dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh cùng nhau sinh sống. Những năm qua thông qua việc xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, xã đã có 8/19 tiêu chí NTM, 5/13 bản được công nhận bản đạt chuẩn NTM.

Ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ngân sách địa phương, xã đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, mương, đập, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban chỉ đạo xã đã tiếp nhận từ Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện được 197 tấn xi măng để tiếp tục phân bổ cho bản Mòng 89 tấn, bản Qua 30 tấn, bản Bàn 34 tấn, bản Pọng 39 tấn để bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Nhờ đó, giao thông thuận tiện, người dân đi lại dễ dàng hơn.

Các mô hình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp bà con ổn định cuộc sống
Các mô hình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp bà con ổn định cuộc sống

Từ ngồn vốn, nguồn xi măng được hỗ trợ, Nhân dân các bản đã tích cực đóng góp đất đai, vườn tược, vật liệu xây dựng, ngày công lao động… để thực hiện có hiệu quả các nguồn hỗ trợ. Qua tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân, đa phần người dân đều rất hài lòng về chương trình xây dựng NTM. Nhờ xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, an ninh trật tự được đảm bảo.

Dẫn chúng tôi đến thăm bản Qua, bản về đích NTM năm 2021, anh Vi Văn Thiến, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Qua phấn khởi cho biết: Toàn bản có 53 hộ, 257 khẩu. Sau 2 năm 2018, 2019 liên tục bị lũ tàn phá, bản được xã, huyện quan tâm, hỗ trợ làm khu tái định cư với 40 hộ sinh sống. Sau khi ổn định nơi ở, nhờ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Nhà nước, cùng với sự đoàn kết của người dân, bản Qua đã xây dựng thành công bản NTM.

Từ phong trào xây dựng bản NTM mà bản Qua đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên Mường Lát. Được sự hỗ trợ của Đồn biên phòng Quang Chiểu thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con chú trọng, quan tâm việc phát triển sản xuất, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất... Ngoài ra, bà con trong bản còn chú trọng chăn nuôi, trồng trọt, làm nương rẫy, nhiều thanh niên trong bản đi xuất khẩu lao động, làm công nhân ở các công ty... Đời sống của bà con trong bản ngày càng được nâng cao; cả bản chỉ còn 6 hộ nghèo.

Nhiều sản phẩm bà con làm ra đạt chất lượng cao, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình OCOP của địa phương
Nhiều sản phẩm bà con làm ra đạt chất lượng cao, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình OCOP của địa phương

Chọn hướng đi đúng đắn

Tương tự xã Quang Chiểu, khi xây dựng NTM, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa cũng có xuất phát điểm rất thấp. Điển hình là bản Bút, bắt tay vào xây dựng NTM, bản chỉ đạt 5/14 tiêu chí. Cán bộ bản cùng người dân đã đồng lòng khai thác tiềm năng, thế mạnh của bản để phát triển du lịch cộng đồng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã vận động người dân tham gia đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn; tham gia vệ sinh môi trường, dọn sạch đường giao thông nội bản; trồng cây xanh dọc các tuyến đường giao thông.

 Các mô hình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được nghiên cứu vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phục vụ phát triển du lịch như, nuôi thủy sản; trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, thu nhập bình quân của bản Bút đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 5%.

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết: “Xã xác định phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho bà con bản Bút, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền vận động người dân nâng cao đời sống,thông qua các mô hình sản xuất gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, xã Nam Xuân đã tranh thủ các nguồn vốn của nhà nước, huy động nội lực của Nhân dân tham gia góp công, góp sức xây dựng NTM.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân xây dựng nông thôn mới một số điểm trường bản xã Quang Chiểu được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân xây dựng nông thôn mới một số điểm trường bản xã Quang Chiểu được đầu tư xây dựng khang trang

Cùng với đó, xã cũng vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Đến nay, xã Nam Xuân đã từng bước phát triển được hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng được các mô hình sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, khu vực miền núi Thanh Hóa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong tổng số 573 xã xây dựng NTM toàn tỉnh, có 211 xã ở khu vực miền núi và 102 xã thuộc 7 huyện nghèo 30a. Các xã miền núi đều có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về chương trình NTM còn hạn chế. Các công trình hạ tầng đầu tư ở thôn, bản có kinh phí ít hơn cấp xã, phù hợp khả năng huy động sức dân và dễ bố trí nguồn lực.

Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi Thanh Hóa, lựa chọn cách thức "dễ làm trước, khó làm sau", hướng đến mục tiêu có nhiều thôn, bản đạt chuẩn NTM sẽ có xã đạt chuẩn NTM, động viên, hỗ trợ người dân "vượt qua chính mình". 

Các địa phương đã mở lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng làm NTM cho cán bộ từ huyện đến thôn, bản; ban hành chính sách khen thưởng, khơi dậy vai trò chủ thể trong Nhân dân, đồng thời kêu gọi, vận động các sở, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ bà con dân bản xây dựng NTM.

Đến hết tháng 6 năm 2022, trong tổng số 346 xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh, thì khu vực miền núi có 58 xã, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 171 thôn bản NTM và 46 thôn bản NTM kiểu mẫu./.