Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần

Như Ý - 11:10, 28/05/2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.

Động đất tại khu vực Lũng Phắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng năm 2019 khiến một số nhà cửa bị rạn nứt, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Ảnh TL.
Động đất tại khu vực Lũng Phắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng năm 2019 khiến một số nhà cửa bị rạn nứt, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Ảnh TL.

Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cơ quan, tổ chức và mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ bộ, ngành trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần; hoàn thiện hệ thống kế hoạch quốc gia ứng phó các loại hình sự cố, thiên tai, thảm họa cơ bản, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất và sóng thần.

Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện 5 nội dung về: công tác phòng ngừa; tổ chức ứng phó; công tác khắc phục hậu quả; lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Về công tác phòng ngừa, Kế hoạch sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp, hiệu quả; gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư; từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án; từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó; xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó..

Về tổ chức ứng phó: Tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân tại địa phương các tin động đất, sóng thần quy định; tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn; huy động, điều phối các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu vực xảy ra thảm họa; duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành.

Công tác khắc phục hậu quả: Huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp; tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền; huy động lực lượng, phương tiện ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân…/.