Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bàn giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản

Thúy hồng - 16:44, 10/03/2023

Sáng 10/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban dân tộc và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị nhằm vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Gs.Ts.Bs. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Thông và bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện tổ chức UNICEF đồng chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội nghị có bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện lãnh đạo 15 tỉnh thành phố, lãnh đạo các bộ ngành cùng 30 cô đỡ thôn, bản cùng tham dự.

Được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ cô đỡ thôn, bản đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào DTTS, đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Cô đỡ thôn, bản là những người sinh sống tại cộng đồng STTS, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại Hội nghị

Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay toàn quốc đã có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Gs.Ts.Bs. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, của cấp ủy và chính quyền các cấp cũng như của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực của Ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn.

Các đại biểu thảo luận giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách cho đội ngũ cô đỡ thôn bản
Các đại biểu thảo luận giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách cho đội ngũ cô đỡ thôn bản

"Trong hoàn cảnh đó, cô đỡ thôn, bản người DTTS tại các vùng khó khăn là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn, bản, việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ thôn, bản hoạt động. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/1/2023 đã có 1.528 cô đỡ thôn, bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số cô đỡ thôn, bản được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cho biết: Những năm qua, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhưng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu nói chung và tiếp cận các dịch vụ y tế nói riêng của đồng bào các DTTS còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc chăm sóc, bảo bệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Nguyên nhân do kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi có xuất phát điểm thấp; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn; chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai; tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước.

Các đại biểu tại hội cùng ký cam kết chung tay thực hiện chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn bản vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi
Các đại biểu tại hội cùng ký cam kết chung tay thực hiện chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn bản vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Theo số liệu điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, có 23,8% phụ nữ DTTS sinh con thứ 3 trở lên, bình quân 1 phụ nữ sinh 2,35 con, cao hơn mức bình quân của cả nước là 2,09 con. Cá biệt có 5 DTTS có mức sinh cao nhất là Mảng (4,97 con/phụ nữ), Chứt (3,82 con/phụ nữ), Cơ lao (3,71 con/phụ nữ), La Hủ (3,68 con/phụ nữ), Mông (3,57 con/phụ nữ).

Còn khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ 54,7%, La ha 36,5%, Mảng 34,1%. Vẫn còn 13,6% phụ nữ DTTS không sinh con tại cơ sở y tế, 3,9% sinh con tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ, 9,5% sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ; một số dân tộc như Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37% và 36,5%. Tỷ suất chết trẻ em DTTS dưới 1 tuổi 2,2%.

Vùng DTTS và miền núi vẫn còn 16,5% trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; gần 1/5 trạm y tế chưa có bác sĩ, số nhân viên nữ hộ sinh chỉ chiếm 15,1%; 16,5% thôn chưa có nhân viên y tế thôn bản.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, toàn vùng DTTS và miền núi có hơn 3.000 cô đỡ thôn, bản đã được đào tạo, nhưng đến nay chỉ có khoảng 50% cô đỡ đang hoạt động.

Các số liệu nói trên đã vẽ nên nên bức tranh khái quát về thực trạng liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em các DTTS; đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ không được chăm sóc, khám thai định kỳ cũng như tình trạng sinh nở ngoài các cơ sở y tế và tỷ suất chết trẻ em dưới dưới 01 tuổi còn rất cao; đặc biệt là ở các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; trong khi đó, số lượng và tỷ lệ cô đỡ thôn, bản đang hoạt động lại rất thấp.

Bức tranh trên tại vùng DTTS và miền núi cũng chỉ ra nguyên nhân, trong đó ngoài nguyên nhân khách quan về điều kiện địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, một số phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào DTTS, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan mà một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là: Chưa phát huy hết vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2022 Nông Thúy Hằng cùng MC Thu Trang của VTV chia sẻ về vai trò của cô đỡ thôn, bản vùng DTTS và miền núi
Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2022 Nông Thúy Hằng cùng MC Thu Trang của VTV chia sẻ về vai trò của cô đỡ thôn, bản vùng DTTS và miền núi

"Trước thực trạng đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản (thuộc Dự án 07)”.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành Trung ương trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng DTTS và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn bản; tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, Người có uy tín, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân, tổ chức quốc tế... nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để động viên, phát huy vai trò của đội ngũ cô đỡ thôn, bản, xứng đáng là cánh tay nối dài của ngành Y tế trong việc thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Để thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản, tại Hội nghị bà Lesley Miller - Phó trưởng Đại diện, UNICEF Viet Nam cho rằng: Vai trò của cô đỡ thôn, bản trong việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, chăm sóc hỗ trợ cho phụ nữ đồng bào DTTS và đóng góp của họ trong việc giảm tử vong mẹ ở Việt Nam là không thể phủ nhận.

Các cô đỡ thôn, bản ở miền núi và vùng sâu, vùng xa là tài sản quý giá trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Để duy trì và mở rộng mạng lưới cô đỡ thôn, bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh, bà Lesley Miller cũng đề xuất cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đối với cô đỡ thôn, bản, đặc biệt là ở tuyến tỉnh; xây dựng và cập nhật các nghị quyết, kế hoạch hành động và hướng dẫn thực hiện cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản, bao gồm việc phân bổ ngân sách đầy đủ trong bối cảnh tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục huy động thêm hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt trong việc đào tạo xây dựng nâng cao năng lực cho cô đỡ thôn, bản ở các tỉnh có nhu cầu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận bàn các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Các đại biểu cho rằng cơ chế chính sách dành cho cô đỡ thôn, bản đã có, tuy nhiên các bộ, ngành địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát để thực hiện hiệu quả chính sách.

Bà Trần Thị Hoa Ri - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội: Trong Dự án 7 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã thiết kế chính sách dành lĩnh vực liên quan đến y tế cơ sở trong đó có chính sách dành cho cô đỡ thôn, bản. Thông tư 15 Bộ Tài chính cũng đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình đã có quy định rõ nét về chế độ chính sách dành cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Đây cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách này ở vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để chính sách thực hiện được hiệu quả các cấp chính quyền địa phương cần có hỗ trợ riêng và cần sự hỗ trợ của mạnh thường quân để có chế độ chính sách hoàn chỉnh hơn cho cô đỡ thôn, bản.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng đội ngũ cô đỡ thôn bản
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng đội ngũ cô đỡ thôn, bản

Kiến nghị về những khó khăn của đội ngũ cô đỡ thôn, bản ở địa phương, chị Lò Thị Đường, cô đỡ thôn, bản Nậm Tích, xã Trà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đề xuất: Cần bổ sung về dụng cụ y tế trong gói dụng cụ của cô đỡ thôn, bản và tăng mức hỗ trợ về chế độ cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản để có điều kiện hỗ trợ bà con thôn bản.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, chính sách dành cho cô đỡ thôn, bản đã được ban hành, các địa phương, các Sở Y tế cần kiểm tra giám sát thực hiện hiệu quả chính sách một cách bài bản, linh hoạt phù hợp với thực tế của địa phương. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành địa phương, các nhà hảo tâm để tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ tế thôn, bản nhằm góp phần phát huy vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS và miền núi.