Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ban Dân tộc Thừa Thiên - Huế: Phát huy hiệu quả vai trò của Người có uy tín

Minh Thu - 11:08, 06/07/2022

Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thực hiện tốt Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Việc thực hiện tốt chính sách đã kịp thời động viên, khuyến khích Người có uy tín phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình trên các mặt công tác.

Ông Lê Xuân Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, thăm hỏi và tặng quà Già làng Hồ A Ray, Người có uy tín xã Thượng Long, huyện Nam Đông nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022
Ông Lê Xuân Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, thăm hỏi và tặng quà Già làng Hồ A Ray, Người có uy tín xã Thượng Long, huyện Nam Đông nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022

Vai trò Người có uy tín trong xoá bỏ tập tục lạc hậu

Theo phong tục, trước đây, mỗi dịp Tết Nguyên đán, mừng lúa mới, đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông thường tổ chức lễ hội đâm trâu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhưng gần đây, đồng bào đang dần xóa bỏ tập tục đâm trâu không còn phù hợp này.

Để từng bước xoá bỏ tập tục này, trước hết phải kể đến vai trò những Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ đã đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận đồng đồng bào nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, vừa giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống, vừa tiếp thu những nét tiên tiến, xây dựng đời sống văn hoá mới.

Tiêu biểu như ở xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi có 95% dân số là đồng bào Cơ Tu nhưng lại là một trong những địa phương tiên phong xóa bỏ tục đâm trâu. Già làng Vương Văn Cừa, Người có uy tín thôn 2, xã Thượng Lộ cho biết: Lễ hội đâm trâu diễn ra hai ngày, rất mất thời gian và tốn kém tiền bạc. Nhiều gia đình nghèo khó, phải vay mượn tiền để mua trâu, sau lễ lại càng nghèo hơn. Hơn nữa, tục lệ này cũng không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại bởi cảnh tượng đâm trâu không đẹp mắt, không nhân văn, nên chúng tôi vận động bà con không tổ chức đâm trâu nữa.

Ở xã Hương Nguyên, huyện A Lưới - xã vùng cao biên giới, giáp nước bạn Lào, có tới 99% là đồng bào DTTS, ông A Rét Cao, Người có uy tín thôn Chi Đu Nghĩa thường xuyên tham gia cùng lực lượng vũ trang tuần tra các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Lào. Ông đã lồng ghép các buổi họp thôn để tuyên truyền tới đồng bào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó giúp đồng bào DTTS hiểu rõ, không vi phạm các quy định pháp luật như không săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép; không sử dụng các loại vũ khí tự chế, không vượt biên trái phép, đặc biệt là không mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy… để đảm bảo ANTT địa bàn.

Ban Dân tộc Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ gặp mặt, trao tặng điện thoại thông minh cho Người có uy tín (tháng 4/2022)
Ban Dân tộc Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ gặp mặt, trao tặng điện thoại thông minh cho Người có uy tín (tháng 4/2022)

 Chăm lo cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 132 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Để công tác triển khai, thực hiện chính sách cho Người có uy tín đạt hiệu quả cao, hằng năm, Ban Dân tộc phối hợp UBND các huyện, thị xã rà soát chính sách đối với Người có uy tín theo Quyết định 12//2018/QĐ-TTg đảm bảo đúng quy định.

Trong năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Phòng Dân tộc các huyện A Lưới, Nam Đông tổ chức 5 hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách dân tộc; bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động cho 170 lượt Người có uy tín. Tổ chức 4 hội thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống tác hại của rượu, bia, phòng chống bạo lực gia đình... cho 120 lượt Người có uy tín. Cấp phát đầy đủ bản tin Dân tộc và miền núi, Báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín. Đồng thời, ủy quyền Phòng Dân tộc huyện Nam Đông tổ chức cho 30 Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Nam Đông tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS tại huyện A Lưới.

Mới đây, trong khuôn khổ nội dung phối hợp giữa Uỷ ban Dân tộc và quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Ban Dân tộc Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Lễ gặp mặt, trao quà là những chiếc điện thoại thông minh cho 10 Người có uy tín trên địa bàn huyện A Lưới.

“Với chiếc điện thoại thông minh này, Người có uy tín có thêm công cụ phục vụ công tác tuyên truyền, vận động. Việc trao tặng điện thoại thông minh cho Người có uy tín thể hiện sự quan tâm của cơ quan công tác dân tộc và doanh nghiệp đối với Người có uy tín, là một trong những hoạt động thiết thực nhằm động viên, khích lệ, phát huy tốt hơn nữa vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS”, bà Nguyễn Thị Phương Ngọc, Trưởng phòng Chính sách Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ.

Với nỗ lực tuyên truyền của già làng Vương Văn Cừa, đồng bào Cơ Tu ở xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông đã bỏ tục đâm trâu trong ngày Tết
Với nỗ lực tuyên truyền của già làng Vương Văn Cừa, đồng bào Cơ Tu ở xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông đã bỏ tục đâm trâu trong ngày Tết

Với sự quan tâm của Uỷ ban Dân tộc, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc với các địa phương vùng đồng bào DTTS, các nội dung thuộc chính sách đối với Người có uy tín đều được triển khai, thực hiện đạt 100% kế hoạch. Những Người có uy tín được bầu chọn đều thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều Người có uy tín đã tích cực tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề phát sinh; tham gia tích cực các phong trào thi đua; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào; tuyên truyền, vận động bà con tích cực tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng.

Để tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cung cấp bản tin Dân tộc và Miền núi; Báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín đầy đủ, kịp thời. Tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; các Hội nghị sinh hoạt cụm, câu lạc bộ, hội thi nhằm tăng cường kiến thức pháp luật cho Người có uy tín.