Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bạc Liêu: Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp

Minh Đạt - 05:08, 12/12/2023

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tham gia vào các chuỗi liên kết, là đầu mối thực hiện ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên và nông dân. Tại tỉnh Bạc Liêu trong những năm gần đây, các HTX đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo nông thôn của tỉnh.

Bà con thành viên HTX Đồng Tiến (huyện Hòa Bình) thu hoạch nghêu.
Bà con thành viên HTX Đồng Tiến (huyện Hòa Bình) thu hoạch nghêu.

Những “chú sếu” đầu đàn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Trong đó, điển hình là HTX Nuôi nghêu Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 xã viên. Nhiều hộ xã viên vươn lên khá, giàu từ bãi nghêu khi tham gia HTX. Sự đóng góp của HTX này được UBND huyện Hòa Bình và tỉnh nhiều lần tuyên dương, khen thưởng. Mới đây, HTX được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Hay HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) thực hiện liên kết bao tiêu theo chuỗi khép kín cho thành viên và các hộ dân trong vùng từ 4.000 - 6.000ha lúa. HTX còn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào đến khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm lúa, giúp các thành viên và nông dân có nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất cũng như đầu ra.

Còn trên địa bàn huyện Hồng Dân, nổi bật nhất là HTX Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A) khi HTX này thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm tôm, lúa đầu ra cho thành viên và nông dân các xã lân cận với diện tích gần 600ha. Ngoài ra, HTX còn thực hiện các dịch vụ phi nông nghiệp như vận tải hàng hóa, thu hoạch thuê, cung ứng các nhu yếu phẩm giá rẻ cho thành viên sử dụng... HTX đang tham gia xây dựng sản phẩm để đạt chứng nhận OCOP cho gạo và tôm.

Thành viên HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh.
Thành viên HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh.

Nói về HTX tiêu biểu của Phước Long, ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Địa phương có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, nhưng nổi bật nhất là HTX Quyết Tiến (xã Vĩnh Phú Đông) và HTX 8/3 (xã Vĩnh Thanh). HTX Quyết Tiến với gần 136ha đất sản xuất, chủ yếu trồng lúa, bắp, mướp và dưa hấu. Hiện HTX này đã liên kết với doanh nghiệp để cung cấp vật tư đầu vào với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng, đồng thời hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên…

Ngoài ra, có thể kể thêm các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả như: HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu), HTX Nuôi tôm công nghệ cao (huyện Đông Hải), HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 (huyện Hòa Bình), HTX Nông nghiệp Đồng Tâm (huyện Vĩnh Lợi)...

Nâng chất các HTX

Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có 190 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX. Mỗi liên hiệp HTX có từ 5 - 21 HTX thành viên. Ngoài các HTX hoạt động hiệu quả thì vẫn còn nhiều HTX có quy mô nhỏ, tổ chức bộ máy chưa chặt chẽ, hàng hóa không đồng nhất, không đáp ứng yêu cầu liên kết của đối tác.

Để nâng chất các HTX nông nghiệp, ông Đặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, HTX của các cấp, các ngành sâu rộng đến tận quần chúng nhân dân. Người dân nông thôn cần nắm rõ bản chất và vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, về đất đai, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kho bảo quản và nhà xưởng chế biến nông sản… Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất ở nông thôn một cách đồng bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hoàn chỉnh hệ thống kênh thủy nông nội đồng gắn với trạm bơm để chống ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô.

Có cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho HTX, nhất là HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công phục vụ chuyển đổi số. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về HTX. Thường xuyên đánh giá các tổ chức kinh tế tập thể, HTX để định hướng chỉ đạo phát triển phù hợp với tình hình sản xuất…