Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Giang: Chú trọng hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý

Hà Linh - 07:47, 07/12/2023

Nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân, thành viên hợp tác xã, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 3 - Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn Hà Giang, thời gian qua, việc đẩy mạnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP luôn được tỉnh Hà Giang chú trọng.

HTX dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm mật ong bạc hà.
HTX dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm mật ong bạc hà.

Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Hà Giang được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý kể từ ngày 1/3/2013 theo Quyết định 316. Đây cũng là Chỉ dẫn địa lý đầu tiên của nước ta đối với sản phẩm mật ong.

Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây bạc hà được phân bố theo những vùng địa lý nhất định. Mật ong mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” có nguồn gốc thực vật hoa bạc hà quý hiếm, không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn có nhiều đặc tính biệt dược quý. Sản phẩm gắn liền với đời sống của người Mông và các hoạt động văn hóa du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong bạc hà tại địa phương ngày càng quan tâm tới việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý chất lượng sản phẩm.

Anh Hoàng Lão Ú, thành viên Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc cho biết: Từ khi thành lập HTX, chúng tôi cũng đã làm các giấy tờ đăng ký kinh doanh, phát triển kỹ thuật số như mã Qr, hóa đơn điện tử, các giấy chứng nhận. Hiện nay, HTX đang có 3 sản phẩm OCOP 4 sao là mật ong bạc hà, rượu ngô Chí Sán, rượu tam giác mạch. Chúng tôi cũng mong muốn phát triển thêm nhiều sản phẩm đạt OCOP để tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương”.

Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây bạc hà được phân bố theo những vùng địa lý nhất định.
Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây bạc hà được phân bố theo những vùng địa lý nhất định.

Cam sành là sản phẩm thứ 2 của Hà Giang được cấp Chỉ dẫn địa lý năm 2016. Cam sành là cây bản địa, gắn với truyền thống sản xuất, canh tác của người dân 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Việc triển khai đồng bộ xây dựng thương hiệu, Chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã góp phần quan trọng khai thác hiệu quả quyền bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cam sành Hà Giang.

Còn đối với sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, ngày 16/8/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức ban hành Quyết định số 2835/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00069 cho sản phẩm này. Theo đó, vùng Chỉ dẫn địa lý được cấp cho khu vực trồng và chế biến chè Shan tuyết của 44 xã thuộc các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và TP. Hà Giang. Đây là thành quả kết tinh cho sự nỗ lực của các cấp, ngành sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý, giống chè Shan tuyết cổ thụ. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển mới, giúp nâng cao giá trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang.

Chỉ dẫn địa lý đối với chè San tuyết của bà con DTTS tăng tạo giá trị, tăng giá bán trên thị trường.
Chỉ dẫn địa lý đối với chè San tuyết của bà con DTTS nâng cao giá trị, tăng giá bán trên thị trường.

Đến nay, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Giang đã tiến hành đánh giá, phân loại được 282 sản phẩm, trong đó có 235 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh; 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Một số sản phẩm OCOP hấp dẫn đối với người tiêu dùng như: Mật ong bạc hà; chè Shan tuyết; cam sành; thịt bò vàng vùng cao; các sản phẩm từ cây dược liệu...

Đồng thời, Hà Giang được cấp 25 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dùng chung, gồm: 8 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý, 14 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể. Trong đó, 8 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý bao gồm: Mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò vàng, cam sành, gạo tẻ Già Dui, hồng không hạt, cá bỗng, thảo quả…

Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đánh giá: “Việc xây dựng và phát triển các nhãn hiệu thành thương hiệu mạnh các vùng Chỉ dẫn địa lý là nội dung vô cùng quan trọng, góp phần định hình, định danh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên thị trường trong nước, ngoài nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở bám vào để chuẩn hóa các sản phẩm nông sản trên thị trường, từ đó góp phần tạo giá trị, giá bán trên thị trường”.

Sản phẩm cam sành Hà Giang được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Sản phẩm cam sành Hà Giang được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể, Chỉ dẫn địa lý đối với các hàng hóa nông sản; xúc tiến, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hợp tác đầu tư, khai thác, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương để nâng tầm giá trị của sản phẩm; chính là góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 3-Hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030.