Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Áp lực thi đại học tại một số quốc gia châu Á

Thành Nam - 12:02, 17/05/2022

Học tập, thi cử là quyền lợi cũng là trách nhiệm của học sinh trên toàn thế giới. Tuy nhiên việc học và thi sẽ có nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia. Tại một số quốc gia ở châu Á, kỳ thi đại học là một kỳ thi quan trọng, vô cùng khốc liệt để mở ra cơ hội tương lai nghề nghiệp cho các sỹ tử, theo đó là vô số áp lực đặt lên đôi vai các bạn học sinh.

Học sinh Trung Quốc trong các lò luyện thi (ảnh ST)
Học sinh Trung Quốc trong các lò luyện thi (ảnh ST)

Tại Trung Quốc, vào các ngày 7- 8/6 hàng năm sẽ diễn ra kỳ thi Gaokao (hay Cao khảo). Đây là kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc ở Trung Quốc. Đây được đánh giá là kỳ thi khốc liệt nhất tại Trung Quốc bởi điểm số của kỳ thi sẽ quyết định đến cơ hội học tập và làm việc tại các thành phố lớn.

Gaokao bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị).

Khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này hàng năm, nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh (vốn được coi là Oxford và Cambridge của Trung Quốc).

Các phụ huynh Trung Quốc tin rằng, nếu con cái của họ bắt tay vào ôn luyện thi đại học càng sớm thì khả năng đỗ đạt càng cao. Vì vậy, nhiều gia đình cho con theo học ở các trung tâm luyện thi đại học khi chúng chỉ mới học lớp 1 hoặc lớp 2.

Maotanchang được coi là nơi luyện thi Gaokao tốt nhất tại Trung Quốc. Có khoảng 20,000 học sinh (gấp 4 lần dân số của thành phố) đến đây mỗi năm để tham dự khóa luyện thi.

Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Gaokao vẫn lập kỷ lục với 10,71 triệu thí sinh dự thi. Đến năm 2021, kỳ thi trở lại “đúng quỹ đạo”, diễn ra vào tháng 6, ước tính khoảng 10,78 triệu thí sinh tham dự kỳ thi. Năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc ấn định kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia năm 2022 sẽ diễn ra trong hai ngày mùng 7 và 8/6.

Học sinh Hàn Quốc kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phòng thi (ảnh ST)
Học sinh Hàn Quốc kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phòng thi (ảnh ST)

Còn tại Hàn Quốc, đất nước nổi tiếng với áp lực thi cử hàng đầu châu Á học sinh sẽ phải trải qua kỳ thi CSAT hay Suneung (Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia) kéo dài 8 tiếng đồng hồ vô cùng căng thẳng.

Hàng năm sẽ có khoảng hơn 500 nghìn sĩ tử tham gia kỳ thi khắc nghiệt này. Theo quan niệm của người Hàn Quốc, kỳ thi đại học là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời. Nếu vượt qua cánh cửa này, bạn sẽ có một tương lại rạng ngời: công việc ổn định, sự nghiệp, gia đình đều suôn sẻ. Cũng chính vì vậy mà mọi hy vọng của gia đình, xã hội và bản thân thí sinh đều đặt trọn vào kỳ thi đại học này.

Cha mẹ nào cũng mong con cái thành đạt. Song ở Hàn Quốc, việc đầu tư cho con cái học hành dường như được chú trọng ở mức cao nhất. Vì thế, các bậc phụ huynh không tiếc công sức, tiền bạc cho việc học thêm của các con. Học phí của các trường đại học ở Hàn Quốc cũng không rẻ. Bình quân khoảng 6 triệu won mỗi năm (tương đương khoảng 108 triệu VN đồng).

Song song với những khoản đầu tư lớn từ gia đình là những áp lực trên đôi vai các bạn học sinh. Nhiều học sinh Hàn Quốc từng in sâu câu nói: “Nếu bạn ngủ 3 giờ vào mỗi đêm, bạn có hy vọng trở thành 1 phần của SKY (trường đại học top 1 của Hàn Quốc), nếu bạn ngủ 4 tiếng, bạn có cơ hội vào các trường đại học khác, còn nếu bạn ngủ 5 tiếng trở đi, đặc biệt là năm cuối cấp thì đừng hy vọng gì nhiều”.

Để chuẩn bị cho đợt khai giảng năm học mới vào tháng 3 hàng năm, Hàn Quốc thường tổ chức thi đại học vào ngày thứ Năm của tuần thứ 2 của tháng 11. Thời gian thi của Suneung lên đến 8 tiếng, gồm các môn: Quốc ngữ, Toán, Tiếng Anh, các môn Khoa học (tối đa 4 môn), các môn xã hội (tối đa 4 môn) và có thể chọn thêm môn ngoại ngữ thứ hai (Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập hoặc tiếng Việt).

Học sinh Nhật Bản trên lớp học trước đại dịch Covid19 (ảnh ST )
Học sinh Nhật Bản trên lớp học trước đại dịch Covid19 (ảnh ST )

Nhật Bản không tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà chỉ căn cứ vào kết quả học tập để xét tốt nghiệp học sinh. Để bước vào ngưỡng cửa đại học, trước hết học sinh phải tham dự một kỳ thi quốc gia gọi là “Senta Shiken” (kỳ thi trung tâm) được tổ chức vào khoảng giữa tháng 1 dành cho những sinh viên có nguyện vọng thi vào các trường đại học công lập.

Gần đây, một số trường đại học tư thục cũng dùng kết quả của kỳ thi này để làm căn cứ xét tuyển nhưng không bắt buộc. Số môn thi của kỳ thi chung này khác nhau tùy theo trường, theo khối thi. Thí dụ nếu thi vào trường đại học công lập thì bắt buộc phải thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Anh văn và chọn 2 môn thuộc khối xã hội (Lịch sử Nhật Bản, Lịch sử thế giới, Chính trị-kinh tế…) hoặc hai môn thuộc khối tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Đại chất…). Riêng môn Toán cũng phân ra thành Toán 1, Toán 2 tùy theo thi vào khối xã hội hay khối tự nhiên.

Điểm đáng chú ý khác là Senta shiken không phải là kỳ thi duy nhất để xét tuyển vào đại học. Thí sinh còn phải thi thêm kỳ thi riêng của các trường nữa rồi người ta căn cứ vào kết quả của hai kỳ thi này để xét tuyển.

Các công ty tại Nhật Bản rất chú ý đến nền tảng giáo dục của ứng viên. Điều này làm cho cuộc cạnh tranh vào các trường đại học danh tiếng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Những học sinh không trúng tuyển trong năm đầu thường chờ đến năm sau để thi lại.

Trẻ em tại Singapore phải tham gia thi tốt nghiệp tiểu học (ảnh ST)
Trẻ em tại Singapore phải tham gia thi tốt nghiệp tiểu học (ảnh ST)

Tại Singapore, sau 6 năm học đầu tiên, trẻ em Singapore sẽ phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học quốc gia (Primary School Leaving Examination - PSLE). Điểm số được gửi đến các trường trung học để lọc ra những học sinh đạt yêu cầu.

Trẻ em được tuyển vào chương trình học phù hợp với khả năng, dựa trên kết quả PSLE. Bộ Giáo dục nước này phân rõ các chương trình đào tạo từ cao đến thấp, lần lượt là Đặc biệt (Special), Cấp tốc (Express), Bình thường học thuật (Normal academic), Bình thường kỹ thuật (Nomal technical).

Những người trong nhóm đầu sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học sau khi học xong trung học và học sinh ở nhóm thấp hơn thường sẽ học nghề.

Phó Giáo sư Jason Tan Eng Thye, Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore, cho rằng, con người vốn khác nhau về khả năng, tiềm năng và sở thích. Vì vậy, việc phân nhóm, định hướng đào tạo ngay từ đầu là cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh muốn con học đại học luôn cố gắng tận dụng những nguồn lực tài chính hoặc quan hệ xã hội để mang lại cho con cái lợi thế cạnh tranh. Những người này có thể phá vỡ đi ý nghĩa của việc phân nhóm trong hệ thống giáo dục.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.