Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Yên Thành (Nghệ An): Người dân bức xúc vì bị thu hồi đất trồng rừng

PV - 10:03, 03/10/2018

Thời gian qua, nhiều hộ dân xã miền núi Tiến Thành, huyện Yên Thành hợp đồng thầu khoán trồng rừng với Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Yên Thành hết sức bức xúc vì bỗng dưng họ bị thu hồi đất trồng rừng và phải nộp số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng từ nguồn khai thác cây trồng trên đất thầu khoán mà không có hóa đơn giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Thế Sơn, xóm Tây Tiến, xã Tiến Thành bức xúc phản ánh: Cách đây 5 năm, gia đình ông đã hợp đồng nhận thầu khoán 1,8ha đất rừng của BQLRPH Yên Thành. Sau thời gian khai hoang vỡ hóa, bên cạnh trồng keo nguyên liệu, gia đình còn trồng sắn xen canh cho thu nhập khá nên cuộc sống gia đình tương đối ổn định.

Thế nhưng tháng 7/2018 vừa qua, khi gia đình tiến hành thu hoạch keo thì nhận được thông báo số tiền phải nộp cho BQLRPH là 89,965 triệu đồng. Đồng thời, sau khi thu hoạch keo xong thì phải trả lại đất cho BQLRPH. Theo ông Sơn, số tiền phải nộp thì đã theo hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, khi tiến hành thu số tiền như vậy mà không có hóa đơn giá trị gia tăng nên tôi rất nghi ngờ. Ngoài ra, nếu BQLRPH tiến hành thu hồi đất của dân lẽ ra trước đó phải thông báo cho dân, và phải tiến hành họp dân để thảo luận, thế nhưng BQLRPH bỏ qua công đoạn này nên người dân chúng tôi bị bất ngờ và bức xúc vì sinh kế làm ăn bỗng dưng không còn nữa. Cùng với đó là công cải tạo đất trong mấy năm nay bỗng dưng đổ bể…

Người dân xã Tiến Thành phản ánh sự việc với phóng viên. Người dân xã Tiến Thành phản ánh sự việc với phóng viên.

Cùng hoàn cảnh, bà Phạm Thị Thi cho biết: Gia đình tôi nhận thầu khoán 3,2ha đất của BQLRPH Yên Thành, đồng thời cũng nhận được thông báo về quyết định thu hồi đất và số tiền phải nộp theo hợp đồng thầu khoán là 100 triệu đồng. Bà Thi nói: Thuê đất thì phải đóng phí là điều đương nhiên, thế nhưng khi thu tiền, cán bộ của BQLRPH viết vào phiếu thu và chỉ đóng dấu treo mà không có hóa đơn giá trị gia tăng, tôi hỏi thì được trả lời: “Phiếu thu tiền là được rồi…”, sau đó gia đình nhận được thông báo về việc thu hồi đất…

Qua tìm hiểu, trong đợt đóng tiền và nhận quyết định thu hồi đất lần này có nhiều hộ dân thuộc xã Tiến Thành, huyện Yên Thành. Điều đáng phản ánh là, mặc dù số tiền các hộ dân phải nộp cho BQLRPH khá lớn, hộ ít nhất là 25 triệu đồng/hộ nhiều là hơn 100 triệu đồng nhưng cách thu tiền không đúng quy định, đó là không xuất hóa đơn giá trị gia tăng… Điều quan trọng hơn, nhiều hộ dân bức xúc vì bỗng dưng sinh kế làm ăn của họ bị thu hồi. Ngoài ra, theo hợp đồng thầu khoán trong quá trình trồng rừng, người dân sẽ được BQLRPH hỗ trợ một phần về giống cây và phân bón, thế nhưng đến kỳ thu hoạch, các hộ vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Hữu Đại, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Chính quyền xã đã nhận được phản ánh của người dân. Họ là công dân của xã nên xã có trách nhiệm phải phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho bà con. Vừa qua, UBND xã đã mời BQLRPH Yên Thành về làm việc để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, đây là phần diện tích đất do BQLRPH quản lý nên chính quyền không thể giải quyết được.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với BQLRPH về vấn đề này. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng BQLRPH Yên Thành cho biết: Tiền thân BQLRPH trước đây gọi là Công ty Lâm nghiệp Yên Thành hay Lâm Trường Yên Thành. Năm 1984, để tạo việc làm cho công nhân Lâm trường Yên Thành đã tiến hành giao khoán trồng rừng trên diện tích đồi núi trọc ở địa phận xã Tiến Thành.

Các đối tượng được giao là công nhân của Lâm trường sắp đến tuổi nghỉ hưu. Để họ có đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, Lâm trường đã khoán cho công nhân trồng rừng theo chu kỳ, công đoạn. Tạo điều kiện cho người dân trồng rừng theo chu kỳ trên đất chứ không phải giao đất cho công nhân quản lý đất. Vì thế, công nhân nhận giao khoán thì phải có nghĩa vụ đóng tiền về cho BQLRPH để đơn vị tiếp tục đầu tư tái sản xuất.

Còn về việc thu hồi đất, người dân không được thông báo, ông Ánh giải thích: BQLRPH trên thực tế chưa có hợp đồng nào cho người dân thuê đất mà chỉ hợp đồng với đội trưởng đội sản xuất, từ đó đội trưởng sẽ phân chia cho các hộ công nhân nên khi thông báo, chúng tôi chỉ thông báo với đội trưởng và tiến hành thanh lý theo đúng quy định. Cũng theo ông Ánh, số công nhân trước đây chưa đủ năm đóng bảo hiểm, nay họ đã đủ và đã nghỉ hưu theo chế độ, vì vậy BQLRPH thu hồi đất lần này để giao cho số công nhân mới chưa có việc làm sản xuất…

Về việc thu tiền hàng trăm triệu đồng của dân không có hóa đơn giá trị gia tăng, ông Ánh cho biết: Cán bộ thu tiền không cấp hóa đơn giá trị gia tăng là lỗi của cán bộ BQLRPH, sẽ có hình thức xử lý kỷ luật.

Thiết nghĩ, đối với người trồng rừng xã Tiến Thành, họ đã bỏ cả đời sống lặn lộn với rừng. Sinh kế duy nhất của họ hiện nay cũng chỉ trông vào việc trồng rừng. Vì vậy, khi xử lý các vấn đề liên quan BQLRPH cũng như chính quyền địa phương, không nên quá cứng nhắc mà cần có hướng xử lý linh động tạo điều kiện cho người dân.

MINH THỨ