Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Yên Bái tăng cường vận động đồng bào DTTS tham gia BHYT

PV - 11:48, 14/02/2022

Theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, toàn tỉnh Yên Bái có trên 170.000 người không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là con số rất lớn, trong khi đó, đa phần người dân có điều kiện kinh tế khó khăn.

Cán bộ BHXH tỉnh Yên Bái tuyên truyền chính sách BHXH tới người dân
Cán bộ BHXH tỉnh Yên Bái tuyên truyền chính sách BHXH tới người dân

Với sự quyết tâm và nhiều cách làm sáng tạo đã được ngành BHXH tỉnh vận dụng trong thời gian qua đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS.

Từ ngày 1/7/2021, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, gia đình chị Hoàng Thị Tiến, dân tộc Tày ở thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ không thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí. Dù điều kiện kinh tế không quá khó khăn, nhưng chị vẫn lưỡng lự chưa muốn tham gia BHYT hộ gia đình, một phần vì tâm lý chủ quan, một phần ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc bấp bênh nên chị phải tính toán các khoản chi tiêu. Tuy nhiên, khi được cán bộ BHXH thị xã trực tiếp tư vấn, vận động chị đã quyết định tham gia BHYT cho cả 5 thành viên trong gia đình.

Chị Tiến cho biết: "Vừa qua, mẹ chồng tôi có chút vấn đề về sức khỏe cũng nhờ có thẻ BHYT nên việc khám, chữa bệnh của mẹ tôi không bị gián đoạn, mà còn đỡ gánh nặng về kinh tế. Nếu không được cán bộ BHXH vận động, hỗ trợ thì giờ số tiền tôi phải thanh toán cho việc khám và điều trị lớn hơn rất nhiều so với số tiền mua thẻ BHYT”.

Là hộ cận nghèo, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động thì gia đình ông Hoàng Văn Nhâm cũng mua BHYT cho 4 người với hình thức trả 6 tháng/lần. Ông Nhâm chia sẻ: "Trước đây được cấp thẻ miễn phí, từ tháng 7 không được cấp nữa, tôi lo lắm. Cũng muốn có thẻ BHYT để yên tâm mỗi lúc ốm đau, bệnh tật nhưng không có tiền. Vừa rồi, cán bộ xã đến tận nhà tuyên truyền về ý nghĩa của thẻ BHYT, gia đình tôi là hộ cận nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ 70% tiền mua thẻ, tôi mừng lắm nên đăng ký mua luôn”.

Tương tự, chị Hoàng Thị Ban ở thôn Hợp Nhất, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, người dân tộc Tày cũng thuộc đối tượng không được cấp thẻ BHYT từ ngày 1/7/2021, tuy nhiên được cán bộ BHXH huyện Văn Chấn vận động, tuyên truyền chị đã tham gia BHYT hộ gia đình.

Cán bộ BHXH thị xã Nghĩa Lộ đến tận nhà tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia BHYT hộ gia đình
Cán bộ BHXH thị xã Nghĩa Lộ đến tận nhà tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia BHYT hộ gia đình

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng nghìn người được cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền, vận động tham gia BHYT hộ gia đình. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình vận động đồng bào DTTS tham gia BHYT, ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Với khoảng trên 170.000 người dân, tương ứng với 20,5% dân số không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, nếu không kịp thời tiếp tục tham gia BHYT đồng nghĩa với việc số người dân này nếu không may bị ốm đau, bệnh tật khi đi khám, chữa bệnh không được quỹ BHYT chi trả mà phải tự chi trả, sẽ thực sự là một gánh nặng rất lớn đối với các hộ nghèo”.

Cũng từ trăn trở này, dù nhận thấy những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia BHYT hộ gia đình nhưng toàn ngành BHXH tỉnh quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 752.950 người tham gia BHYT, đạt gần 93% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,54% so với dân số toàn tỉnh.

Để có được kết quả trên, ngay khi Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, BHXH tỉnh đã tập trung đề ra nhiều giải pháp, biện pháp trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân không “rời bỏ” hệ thống BHYT. Như cán bộ ngành BHXH chia sẻ thì việc tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS tiếp tục tham gia BHYT không hề đơn giản, nhất là khi lâu nay người dân vốn có tâm lý được Nhà nước "bao cấp”; hơn nữa đa phần đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa địa bàn đi lại hết sức khó khăn.

“Để có thể gặp được bà con vận động, tuyên truyền rất nhiều cán bộ của tôi phải “bám làng, bám bản” thậm chí “nằm vùng” lựa điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, vận động bà con tham gia”, ông Nguyễn Trí Đại chia sẻ thêm./.