Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Yên Bái: Hiện thực hóa mục tiêu phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

Xuân Hải - Vân Khánh - 19:49, 10/05/2023

Là địa phương có lợi thế trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Yên Bái đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Yên Bái đang nỗ lực phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.

Đồng bào Dao huyện Văn Yên trồng quế mang lại thu nhập cao
Đồng bào Dao huyện Văn Yên trồng quế mang lại thu nhập cao

Phát triển kinh tế theo xu hướng “xanh”

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 3 nhiệm vụ định hướng có yếu tố "xanh”, Theo đó để phát triển kinh tế theo yếu tố "xanh", các ngành, các cấp của tỉnh Yên Bái đã xác định cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc…

Minh chứng như tại huyện Trấn Yên, để hiện thực hóa yếu tố “Xanh” địa phương đã xác định giải pháp quan trọng như: Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng huyện Trấn Yên theo hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"; cơ cấu lại ngành Công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo gắn với đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch...

Ông Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết, huyện đã triển khai linh hoạt, sáng tạo các nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về phát triển kinh tế xanh, bền vững. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Nhờ đó, Trấn Yên đã đạt 35/35 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 22 chỉ tiêu vượt kế hoạch, điển hình như: Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 24,1%; doanh thu từ du lịch tăng 69,5%; số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 tăng gấp đôi so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,45%, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sự hài lòng về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân.

Theo ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, trong năm 2022, với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc, tỉnh Yên Bái đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm 2022. Nổi bật là kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; tốc độ tăng GRDP đạt 8,62% (vượt kế hoạch đã đề ra là 7,5%), bình quân từ đầu nhiệm kỳ đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 4.616 tỷ đồng, vượt 78,4% dự toán Trung ương giao, tăng 5,5% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15%, vượt 1,15% so với kế hoạch.

Yên Bái nỗ lực phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”
Yên Bái nỗ lực phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

Phát huy giá trị bản sắc văn hóa

Một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm tại Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là "Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Coi trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Yên Bái chính là tạo động lực và sẽ tiếp tục là động lực cho giai đoạn phát triển tới của tỉnh theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Năm 2023 được xác định là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Vì vậy để hiện thực hóa các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 đã xác định chủ đề “Quyết liệt triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bứt phá trong chuyển đổi số; duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân” gắn với phương châm hành động “Quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả” nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tạo đà quan trọng để bứt phá, tăng tốc, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Một trong những hướng đi Yên Bái ưu tiên thực hiện và đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực là khai thác những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách gần xa. Các ngành, các cấp tỉnh Yên Bái đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ và các chính sách văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các tập quán lạc hậu.

Hiện nay, Yên Bái hiện có 119 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp. Trên 1.300 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Nhờ phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch đã thu hút đông đảo du khách đến thăm quan. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có trên 3 triệu lượt du khách, trong đó trên 227.000 lượt khách quốc tế đã tới Yên Bái; tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 10,3%; doanh thu từ hoạt động du lịch bình quân hằng năm tăng 19,6%.

Đặc biệt, xác định vai trò của gia đình trong sự hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người là hết sức quan trọng, Yên Bái đã xây dựng tiêu chí đánh giá "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”. Ngoài ra, các hoạt động về nâng cao trình độ dân trí, phát triển văn hóa đọc cùng với chú trọng phát triển thể chất, đảm bảo phát triển toàn diện con người được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Theo kết quả khảo sát năm 2022 của tỉnh Yên Bái, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, tăng 4,46% so với năm 2021, vượt 1,37% so với kế hoạch.

Với những nỗ lực quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số đã và đang tạo ra động lực mới cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc Yên Bái sẽ hiện thực hoá mục tiêu phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.