Analytic
Chủ nhật, ngày 05 tháng 01 năm 2025, 00:45:08
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Yên Bái: Đẩy nhanh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Trọng Bảo - 12:41, 08/12/2021

Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP nay là Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Yên Bái đã và đang khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ với mục tiêu nhanh, chính xác và kịp thời.

Hàng chục nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái được hưởng các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ
Hàng chục nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái được hưởng các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ

Trước đây, khi dịch bệnh chưa bùng phát, chị Nguyễn Thu Hà, dân tộc Tày, ở thôn Đình Đồng, xã Âu Lâu, TP. Yên Bái làm nghề bán nước giải khát và đồ ăn vặt. Công việc tuy thu nhập không cao, nhưng cũng đủ để gia đình 4 người nhà chị Hà, có thể trang trải sinh hoạt hàng ngày. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, chị Hà phải nghỉ bán hàng, khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

“Rất may gia đình tôi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ khoản tiền 3 triệu đồng theo Nghị quyết 68. Số tiền tuy không nhiều, nhưng cũng đã kịp thời giải quyết những khó khăn trước mắt của gia đình”, chị Hà tâm sự.

Chị Hà chỉ là một trong hàng nghìn lao động, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhận được sự hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Trí Đại, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, tác động của đại dịch trên địa bàn là rất lớn. Thống kê cho thấy, dịch bệnh đã khiến 418 doanh nghiệp, 41 hợp tác xã tạm ngừng hoạt động; 28 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã giải thể; 33 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn về việc làm và thiếu hụt chuyên gia. Trong đó, số lao động bị mất việc trong tỉnh là, 2.660 người và hơn 6.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh bị mất việc làm và trở về địa phương.

Ngành BHXH xác định, việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, ngành đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tuyên truyền, liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động đăng ký, hoàn thiện các thủ tục theo hướng dẫn. 

"Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, giảm thời gian giải quyết khi tiếp nhận hồ sơ. Quan điểm của chúng tôi là cá nhân, đơn vị cứ đủ hồ sơ là giải quyết xong các thủ tục, chính sách trong vòng một ngày”, ông Đại nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp, nhà máy đang được hưởng chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng
Nhiều doanh nghiệp, nhà máy đang được hưởng chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng

Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái đã thực hiện việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ được trên 50.000 người lao động và 3.185 doanh nghiệp, người sử dụng lao động, với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng.

Bên cạnh việc triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, tỉnh Yên Bái đã và đang thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động nội tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh đã bố trí được gần 20.000 người lao động có việc làm mới. Đào tạo nghề cho trên 17.000 người và hơn 6.000 người chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp…

Một trong những khó khăn đối với người lao động, doanh nghiệp là vốn sản xuất trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát. Chính vì vậy, hệ thống các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều gói hỗ trợ để người lao động cũng như doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn cũng như hỗ trợ giảm lãi suất.

Ví dụ như, đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện giảm tiếp 10% lãi suất cho vay của toàn bộ dư nợ cho đến hết năm 2021 với gần 45.000 khách hàng. Tổng số tiền được giảm trừ đạt gần 60 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: Đơn vị cũng đã chỉ đạo các Phòng giao dịch, Chi nhánh trực thuộc chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. 

"Với những khó khăn từ dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế”, ông Hồng thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.