Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xúc động những kỷ vật chiến trường

Giang Lam - 17:55, 28/07/2023

Trở về sau cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, không ít người lính năm xưa nơi mảnh đất Tuyên Quang vẫn giữ lại được những kỷ vật của chiến trường. Đó không chỉ là ký ức về một thời hoa lửa của dân tộc mà còn là hiện vật sống động để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc, về giá trị của hòa bình...

Kỷ vật chiến trường của Hội Thương binh xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương.
Kỷ vật chiến trường của Hội Thương binh xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương.

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện

“Chúng tôi sưu tầm, gìn giữ những kỷ vật không phải để chơi mà muốn cho lớp trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc, qua đó giúp thế hệ trẻ yêu quý, trân trọng hòa bình, độc lập tự do hơn”, ông Vũ Tuấn Tú, Hội trưởng Hội Thương binh xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chia sẻ về lý do mà ông và các hội viên đã làm. Đó là sưu tầm kỷ vật chiến trường để làm một gian trưng bày nhỏ ngay tại địa phương.

Từ nhiều năm nay, nhiều người biết đến tủ đựng kỷ vật của Hội Thương binh xã Hồng Lạc được trưng bày tại khuôn viên nhà ông Vũ Trọng Hải, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc. Những kỷ vật đó luôn được lưu giữ với lòng biết ơn trân quý. Đó là chiếc ba lô của người lính Nguyễn Tiến Lưu, bình tông của người lính Bùi Văn Phú, chiếc đài cassette của người lính Nguyễn Chiến Khu… Rồi cả những chiếc áo mưa, chiếc võng chiến trường, dép cao su, mũ sắt…

“Chiếc cốc nhôm này là của đồng chí Nguyễn Xuân Hùy. Anh bị thương nặng tại chiến trường Tây Nguyên, sau khi được điều trị tại một bệnh xá thì tự tay làm mấy chiếc cốc để gửi tặng các y bác sĩ. Chiếc cốc này anh giữ lại để khi trở về tặng người vợ thân yêu ở quê nhà. Cách đây mấy năm, người lính ấy đã qua đời, nhưng chiếc cốc như nhắc nhớ sự hiện diện của ông với đồng đội”. Câu chuyện về chiếc cốc cùng những kỷ niệm của người lính Nguyễn Xuân Hùy được các đồng đội thay nhau kể cho khách đến tham quan Tủ lưu niệm của Hội Thương binh Hồng Lạc.

Những kỷ vật chiến trường được Hội Thương binh xã Hồng Lạc (Sơn Dương) lưu giữ cẩn thận
Những kỷ vật chiến trường được Hội Thương binh xã Hồng Lạc (Sơn Dương) lưu giữ cẩn thận

Còn với ông Vũ Tuấn Tú vẫn không bao giờ quên được kỷ vật của mình, đó là chiếc áo thun, được đồng đội lấy đắp vết thương khi ông bị thương trong một trận đánh tại chiến trường Tây Nguyên. Chiếc áo như chiếc gạc băng bó tạm thời để cầm máu trước khi ông được đưa đến khu điều trị. Ông còn mang về từ chiến trường túi xách - chiến lợi phẩm thu được của lính Mỹ.

Ông Tú xúc động nói, khi nhìn những kỷ vật là bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Chính những vật dụng sinh hoạt của người lính trong chiến trường như chiếc ba lô, bình tông, mũ cối, tăng võng, bát sắt đã che chở, nuôi dưỡng, giúp đỡ ông và đồng đội vượt qua những lúc nguy kịch, khó khăn nhất.

Lật lại ký ức, khóe mắt của người thương binh Bùi Văn Phú lại rưng rưng xúc động kể lại kỷ niệm với chiếc bình tông và chiếc cặp lồng bằng nhôm. Ông bảo, đây như là người bạn tâm giao đã theo ông tham gia hết trận chiến này đến chiến dịch khác. Có những ngày chiến đấu, đồng đội chia nhau từng nắm cơm, dưới cơn mưa rừng mà vẫn vui vẻ hát nghêu ngao, động viên nhau, hẹn nhau ngày hòa bình trở về tụ họp. Nay, người còn, người mất, thế nên những kỷ vật này như những tiếng lòng của những người bạn.

Người dân Hồng Lạc khi đến với “bảo tàng nhỏ” này luôn được những người Cựu chiến binh nhiệt tình giới thiệu. Em Hoàng Khánh Linh, thôn Kim Xuyên chia sẻ: “Em rất thích nghe các ông kể về kỷ niệm gắn với kỷ vật chiến trường. Em càng thấy rõ sự gian lao, hy sinh mất mát của thế hệ cha ông đi trước, em càng tự hào biết ơn, trân trọng hòa bình hôm nay”.

“Họ đã làm ra đất nước”

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa) nói rằng: “Có một câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm mà tôi rất thích: Họ đã sống và chết/Giản dị và bình yên/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra đất nước. Những món đồ mà tôi sưu tập được dù là chiếc bút máy của một vị tướng hay cái ba lô rách nát của một chiến sĩ bình thường cũng đều đáng quý như nhau. Bởi bất kể họ có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc chiến ấy, thì họ vẫn là những người Anh hùng thực sự”.

 Suốt những năm tháng dạy học tại các điểm trường từ Hà Giang đến Tuyên Quang, thầy giáo Nguyễn Quang Vĩnh được biết đến là người cần mẫn sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Là giáo viên dạy môn Văn học và Lịch sử, qua những kỷ vật, cùng những bài giảng, thầy Vĩnh mong muốn sẽ truyền đạt cho các học trò hiểu thêm về thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu anh dũng như thế nào. Nay đã về hưu, “bảo tàng nhỏ” của ông Vĩnh là nơi mà những đứa trẻ nhỏ trong làng đến xem.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh với kỷ vật còn lưu giữ được.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh với kỷ vật còn lưu giữ được.

Chỉ vào những kỷ vật, ông Vĩnh thuyết minh: Đây là ba lô của người lính Vương Mí Phùa; đây là bộ quần áo bộ đội của một người lính dân tộc Tày ở Xín Mần (Hà Giang); đây là lá thư của Nguyễn Quang Thạch gửi từ chiến trường về cho gia đình. Chiếc mâm đồng bộ đội dùng, chiếc la bàn, màn nâu, tăng võng... Có những thứ ông được tặng, nhưng cũng có những kỷ vật ông phải lặn lội đến từng làng bản để mua về.

Đến nay, “bảo tàng nhỏ” của gia đình ông có vài chục món kỷ vật. Mỗi hiện vật có một hành trình, số phận riêng. Ông Vĩnh cẩn thận phân loại theo từng nhóm riêng và được cất trang trọng trong tủ gỗ. Ông mong muốn phát triển thành một “bảo tàng nhỏ”, thành “địa chỉ đỏ” để những hiện vật biết nói phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với ông đó như một báu vật của gia đình. Ông chia sẻ, những lớp người tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sẽ dần ra đi. Nhưng những kỷ vật, những câu chuyện, kỷ niệm, hiện vật và anh linh của các Anh hùng liệt sĩ sẽ sống mãi, nhất là khi chúng ta biết lưu giữ những kỷ vật và trân trọng quá khứ.

Tận mắt quan sát, được nghe chia sẻ về những hiện vật của chiến trường, chúng ta như thấy được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh dường như vẫn còn nguyên. Công việc thầm lặng của những người đã từng trải qua ranh giới mong manh của sự sống và cái chết của một thời hoa lửa đã góp phần tái hiện lại một góc nhỏ chiến tranh, để thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng, gìn giữ nền độc lập, hòa bình dân tộc.