Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xuân về trên những ngôi làng tái định cư

Thuỳ Dung - 22:05, 31/01/2022

Mùa Xuân này hơn 200 nóc nhà ở 2 làng tái định cư Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai và thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã có một mùa Xuân ấm áp, trọn vẹn trong những ngôi nhà mới.

Nghi thức về nhà mới của người dân làng Dơ Nâu
Nghi thức về nhà mới của người dân làng Dơ Nâu

Xuân ấm áp trong ngôi nhà mới

Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp trở vào thăm lại làng tái định cư Dơ Nâu (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai). Trong không khí Xuân về, những ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới đã được điểm tô bởi những sắc mai vàng. Chúng tôi dừng chân ghé thăm căn nhà của chị Đỗ Thị Hồng Ngọc (người dân tộc Tày), một chủ cửa hàng tạp hóa mới mở khi được về khu tái định cư, chị Ngọc chia sẻ: Ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn nên mẹ mình phải rời xa quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thời đó, mẹ không có tiền và còn nghèo khổ nên gia đình mình được người dân nơi đây cho mượn đất dựng nhà để ở tạm. Cứ thế mấy mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Sau này mình lập gia đình, phải tách ra ở riêng thì cũng không có nhà, buộc phải ở nhờ trên đất của hàng xóm.

“Nhiều năm nay, dù nỗ lực làm ăn, phát triển nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Đến năm 2020, nhờ đề án bố trí ổn định dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang, mà mình được cấp 500m2 đất, được hỗ trợ tiền để về khu tái định cư Dơ Nâu sinh sống. Được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, mình vay mượn thêm để xây dựng căn nhà với số tiền hơn 70 triệu đồng. Và đây là cái Tết ý nghĩa nhất của mình trong suốt bao năm qua”, chị Ngọc chia sẻ thêm.

Tuy xa quê nhưng bà con người dân tộc Tày, Nùng vẫn giữ được văn hóa của quê hương là chơi đàn tính và hát then trong mỗi dịp Tết đến Xuân về
Tuy xa quê nhưng bà con người dân tộc Tày, Nùng vẫn giữ được văn hóa của quê hương là chơi đàn tính và hát then trong mỗi dịp Tết đến Xuân về

Cũng đồng cảnh tha hương như chị Ngọc, gia đình ông Hoàng Văn Tuân (dân tộc Tày) cũng đã rời quê hương 10 năm để làm ăn mong có cuộc sống đủ đầy. Rót chén trà nóng mời khách, ông Tuân chia sẻ: Xuân năm nay có nhà cửa mới, khang trang rồi. Nhớ những mùa Xuân qua tuy Tết đến Xuân về nhưng thấy chạnh lòng vì cảnh Tết xa quê còn thiếu thốn. Năm nay, nhờ được sự quan tâm của các cấp, chính quyền mà hơn 100 hộ dân đã có đất, có nhà để ở. Con cái đi làm xa về có nơi để đoàn viên, sum vầy.

Còn Xuân này ở làng tái định cư thôn Tu Thó, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) 139 nóc nhà của người Ba Na cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Xuân sang. Người có uy tín, Già làng A Đúp chia sẻ: Tu Thó là thôn đã 3 lần dời làng vì sạt lở. Đời sống của người dân cũng vậy mà gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, nhờ có dự án di dời, tái định cư cho các hộ dân sống trong vùng thiên tai, sạt lở mà người dân được tạo điều kiện chuyển về nơi ở mới. Những ngày giáp Tết, sau lễ ăn lúa mới nhiều hộ còn ở làng cũ đã bắt đầu di chuyển hết lên trên làng tái định cư để an cư, đón Tết.

Theo già làng A Đúp, về khu tái định cư mới, người dân được cấp 800m2 mặt bằng và được hỗ trợ 25 triệu đồng để xây nhà. “Trong những ngày di dời, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền và lực lượng bộ đội mà người dân được hỗ trợ ngày công di dời nhà cửa từ khu tái định cư cũ đưa lên. Nhà ai có điều kiện hơn thì xây nhà mới. Khu tái định cư mới cũng được đầu tư đầy đủ hệ thống nước chảy đến tận nhà, đường xá được bê tông hóa, có trường mầm non cho con trẻ đi học,... dân làng có một mùa Tết yên vui, đủ đầy”, già làng A Đúp cho biết thêm.

An cư nơi quê hương thứ hai

Trong những ngày cuối năm, chị Quàng Thị Mạnh người dân tộc Tày ở làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Hiện nay, người dân trong làng Dơ Nâu rất bận rộn vì phải hỗ trợ nhau chuẩn bị đồ cúng lễ về nhà mới theo nghi thức của quê nhà. Năm nay, được cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà nên ai ai cũng phấn khởi vui mừng. Mùa Xuân này là một mùa Xuân rất đặc biệt của chúng tôi. Thời gian tới, chúng tôi cũng rất mong được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện, bố trí công ăn việc làm để người dân có công việc, động lực để vươn lên phát triển kinh tế gia đình hướng đến nhiều mùa xuân ấm no hơn trên quê hương thứ hai”, chị Mạnh chia sẻ.

Bà con người Ba Na cùng xã đến thăm hỏi chúc tết các hộ dân ở làng tái định cư Dơ Nâu
Bà con người Ba Na cùng xã đến thăm hỏi chúc tết các hộ dân ở làng tái định cư Dơ Nâu

An cư lạc nghiệp là những ước mơ của những người con Xê Đăng ở thôn Tú Thó 3 lần dời làng vì ảnh hưởng của thiên tai. Già làng A Đúp chia sẻ: “Người dân chỉ muốn an cư để tập trung phát triển kinh tế, con cái được đến trường học cái chữ rồi từ đó mang cái chữ về để giúp cho dân làng phát triển hơn”.

Tiếp lời già A Đúp, ông A Dai, trưởng thôn Tu Thó cho biết: Xuân năm nay có lẽ đặc biệt hơn mọi năm vì người dân đã di dời về nơi ở mới. Nhà có điều kiện thì xây mới, nhà ít điều kiện hơn thì được di dời lên. Đường xá được quy hoạch lại, điện về thắp sáng toàn thôn, có trường học ngay ở điểm làng phụ huynh cũng yên tâm gửi con để lên rẫy.

Một góc làng tái định cư thôn Tu Thó, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum)
Một góc làng tái định cư thôn Tu Thó, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum)

“Hiện nay, toàn thôn Tu Thó vẫn còn 83 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Thời gian đến, tôi mong Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến người dân trong thôn, đặc biệt là hộ nghèo bằng cách trao giống sâm cho người dân trồng để tạo tiền đề phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, đưa thôn Tu Thó vươn lên phát triển, đóng góp vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới tại địa phương”, trưởng thôn Thu Thó chia sẻ.

Nhân thêm những niềm vui

Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền đặc biệt khi mùa Xuân đang cận kề đã mang đến một làn gió mới cho những ngôi làng tái định cư. Để giúp người dân an cư lạc nghiệp, các cấp chính quyền xã Kon Thụp, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) và xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cũng có những kế hoạch, định hướng trong thời gian tới để giúp người dân ổn định.

Già làng A Đúp (ngoài cùng bên phải) cùng người dân thưởng thức rượu cần mùa Xuân bên mái nhà rông
Già làng A Đúp (ngoài cùng bên phải) cùng người dân thưởng thức rượu cần mùa Xuân bên mái nhà rông

Ông Lương Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết: Để giúp người dân an cư lạc nghiệp, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để con em của các hộ dân được đến trường đầy đủ. Chúng tôi cũng liên hệ với Công ty cổ phần chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai để giải quyết, tạo công ăn việc làm cho bà con ở làng tái định cư Dơ Nâu, nếu người dân có nhu cầu việc làm sẽ được nhận vào làm. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đề xuất với cấp trên xem xét, tạo mọi điều kiện bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân để người dân ổn định, tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Còn ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết: Để chọn đất định cư cho làng Tu Thó, các cấp ngành đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều đợt khảo sát vị trí; đồng thời vận động nhiều doanh nghiệp, công ty đóng chân trên địa bàn hỗ trợ kéo điện, đường và hỗ thêm tiền cho người dân để mua giống cây trồng. Nhờ vậy mùa xuân 2022, hầu hết các hộ dân đã di dời lên nơi ở mới.

“Tuy Tê Xăng là một xã khó khăn nhưng bà con rất chăm chỉ làm ăn. Với lợi thế về khí hậu, bà con dễ phát triển một số loại cây trồng mang giá trị cao như cà phê, cây dược liệu nên đời sống cũng ổn định. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho thôn Tu Thó như sân thể thao, điện đường và trồng thêm nhiều cây chắn gió ở khu vực gió nhiều; quy hoạch thôn Tu Thó thành khu phát triển cà phê xứ lạnh, sơn tra và liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cũng như đảm bảo đầu ra sản phẩm trên thị trường cho người dân”, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm.