Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xuân mới niềm tin mới

Nghĩa Hiệp - 16:16, 03/02/2020

Đón Xuân Canh Tý 2020, những người làm công tác dân tộc trên cả nước và đồng bào các dân tộc thêm niềm vui mới khi Quốc hội đã thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Lương Thanh Hải
Ông Lương Thanh Hải

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Đề án là dấu ấn lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Vùng DTTS và miền núi của tỉnh Nghệ An hiện vẫn là “lõi nghèo” của tỉnh; hiện số hộ nghèo vẫn chiếm tới 60% tổng số hộ nghèo của cả tỉnh. Trên địa bàn còn không ít hộ thiếu đói; trong dịp Tết đến, Xuân về, những đoàn cứu trợ của các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm vẫn tất tả ngược xuôi để lo cái Tết cho đồng bào.

Do đó, chúng tôi rất kỳ vọng vào việc Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Khi có Chương trình, tỉnh sẽ nghiên cứu, xây dựng Đề án phù hợp với tình hình thực tế của từng huyện; xác định rõ mục tiêu, nhu cầu nguồn vốn, các giải pháp... trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người dân. Bên cạnh các giải pháp mang tính tổng thể, chúng tôi sẽ tập trung và kỳ vọng sẽ kêu gọi được các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào vùng DTTS và miền núi để tạo việc làm và sinh kế cho đồng bào DTTS.

Ông Lâm Sách
Ông Lâm Sách

Ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Đề án là cơ hội giúp đồng bào DTTS trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Là một trong những địa phương thuộc “vựa lúa” của cả nước nhưng thực tế hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao, nhất là vùng đồng bào DTTS. Một trong những nguyên nhân là đồng bào DTTS chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng có ít hoặc không có đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất…

Do đó, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được ban hành, chúng tôi kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản các tồn tại, hạn chế hiện nay trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; riêng đối với Sóc Trăng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS.

Bà Vì Thị Oanh
Bà Vì Thị Oanh

Bà Vì Thị Oanh, Người có uy tín huyện Mai Châu (Hòa Bình): Đề án là cơ hội để khôi phục làng nghề truyền thống giúp dân thoát nghèo.

Địa phương chúng tôi phát triển rất mạnh về du lịch cộng đồng, là điều kiện thuận lợi để phát triển các làng nghề truyền thống. Hiện nay, các làng nghề truyền thống của đồng bào đang dần được khôi phục, phát triển, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân.

Tôi kỳ vọng, nghề truyền thống thật sự trở thành nghề tạo thu nhập cao, giúp đồng bào làm giàu. Bởi thực tế, không chỉ các sản phẩm truyền thống được du khách quan tâm, mà làng nghề truyền thống cũng trở thành nơi thăm quan thú vị mỗi khi du khách đến với địa phương. Vì thế, chúng tôi mong rằng Đề án sẽ trở thành đòn bẩy, để thật sự khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống tại tỉnh Hòa Bình nói riêng và trên cả nước nói chung.

Ông Lê Khánh Hòa
Ông Lê Khánh Hòa

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ (Điện Biên): Đề án sẽ góp phần làm giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh huyện biên giới.

Trước đây, khi nhắc đến các huyện biên giới như Nậm Pồ, người ta sẽ chỉ nghĩ ngay đến vùng đất khó, là huyện biên giới nhưng nay Nậm Pồ đã thoát khỏi tình trạng “nhiều không” (không điện, không đường, không trường, không trạm…), các hoạt động truyền đạo trái phép, di cư tự phát…, gây mất ổn định về an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng đã được ngăn chặn. 

Với sự đầu tư của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Nậm Pồ hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tôi cho rằng, cũng như Nậm Pồ, các địa bàn vùng biên giới của nước ta đến nay cũng đã thay đổi rõ nét. 

Xuân mới niềm tin mới 4

Tôi thực sự vui mừng khi Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây sẽ là “cú hích” cho toàn vùng, trong đó các địa bàn biên giới như Nậm Pồ phát triển bền vững.