Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xu hướng tự xuất bản: Mở cánh cửa tiềm năng cho sáng tạo

PV - 17:35, 12/10/2021

Thay vì gửi bản thảo đến các nhà xuất bản và chờ đợi “vận may”, nhiều cây bút đã tìm con đường ngắn nhất để đưa tác phẩm của mình đến với độc giả. “Ra sách chưa bao giờ dễ dàng đến thế” là nhận định của nhiều người khi nói về xu hướng tự xuất bản hiện nay.

 “Dệt nên triều đại” của nhóm Vietnam Centre ra mắt độc giả dưới hình thức gọi vốn cộng đồng Ảnh: ITN
“Dệt nên triều đại” của nhóm Vietnam Centre ra mắt độc giả dưới hình thức gọi vốn cộng đồng Ảnh: ITN

Chủ động trong tất cả các khâu

Một số tác giả từng chia sẻ, họ ngại tự in sách vì hai lý do chính: Trước tiên, họ không rành về các thủ tục và quy trình xuất bản; hơn nữa, sợ bị chê bai rằng bản thảo bị các nhà xuất bản từ chối nên phải tự in! Mặt khác, tự xuất bản đồng nghĩa với việc phải tự lo mọi thứ, nhất là khâu phát hành nên thực sự rất vất vả. Tuy nhiên, ngành xuất bản và phát hành hiện đã có những thay đổi lớn. Nhiều tác giả, đặc biệt là những cây viết trẻ, không lựa chọn việc trông chờ đứa con tinh thần “lọt vào mắt xanh” của các nhà xuất bản mà chủ động trong các khâu để cho ra đời cuốn sách của mình.

Thủ tục tự xuất bản ở Việt Nam hiện nay cũng khá đơn giản. Điều 23 của Luật Xuất bản đã quy định rõ về Liên kết trong hoạt động xuất bản, theo đó, nhà xuất bản được liên kết với tổ chức, cá nhân (gọi chung là đối tác liên kết) để xuất bản đối với từng xuất bản phẩm dưới nhiều hình thức như: Khai thác bản thảo, biên tập sơ bộ bản thảo, in và phát hành xuất bản phẩm... Để xuất bản được một cuốn sách cần có giấy phép xuất bản và phát hành của một nhà xuất bản bất kỳ. Các tổ chức, cá nhân có thể hợp tác với các nhà xuất bản để tiến hành thủ tục theo quy định.

Có thể thấy, ngoài sự chủ động về số lượng bản in, tác giả còn có thể lựa chọn nguyên liệu để cấu thành cuốn sách; nắm rõ số lượng bản in đã được hoàn thành và địa điểm phân phối chúng, từ đó biết được doanh thu tác phẩm của mình. Khi tự xuất bản, tác giả sẽ được giữ bản quyền và quyết định giá bán. Hình thức tự xuất bản này cũng giúp thu lợi nhuận nhiều hơn con số 10% như khi ký hợp đồng xuất bản truyền thống.

Tự xuất bản tuy là một xu hướng mới mẻ và khả thi, tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, để thực hiện cũng đòi hỏi các tác giả nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Vấn đề khó khăn nữa là việc phát hành sách, bởi đa số các tác giả không có mối quan hệ với hệ thống nhà sách, hiệu sách để phân phối trên toàn quốc. Nhiều tác giả lựa chọn bán thông qua các kênh online hoặc tự điều hành việc phân phối sách, nhưng dường như việc này không mấy khả quan. Trong khi đó, bán được sách là yếu tố vô cùng quan trọng sau xuất bản, nó quyết định mức lợi nhuận mà tác giả thu được cũng như mức độ tiếp cận độc giả của tác phẩm.

Nếu chưa đủ tự tin để tự xuất bản, các tác giả có thể lựa chọn gửi bản thảo đến các đơn vị xuất bản, hoặc tìm kiếm một đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất bản uy tín, chuyên nghiệp. Ngoài tên tuổi, khả năng sản xuất, đánh giá thị trường thì các kênh phân phối đa dạng của họ sẽ giúp sách tiếp cận được nhiều độc giả nhất có thể.

Hình thức hiệu quả cho dự án sáng tạo

Tự xuất bản đồng nghĩa với việc tác giả phải lo mọi khâu và chi phí, từ biên tập tới trình bày, in, quảng bá, phát hành... Đây cũng là một trong những trở ngại lớn khiến nhiều người chưa thể ra được cuốn sách của riêng mình. Tuy nhiên, trong thời đại internet phát triển như hiện nay, dù ngân sách ít thì tác giả vẫn có thể cho ra đời cuốn sách của mình bằng cách kêu gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Hình thức này đã thịnh hành trên thế giới từ cuối thế kỷ XX. Tại Việt Nam, vài năm qua đã có những đơn vị làm theo cách này, điển hình như trang Comicola từng gây quỹ thành công cho những tác phẩm như Long Thần Tướng, Hoa văn Đại Việt, sách pop-up Sài Gòn phố... Nhiều tác giả cũng đã nắm được xu thế và thậm chí gọi được nhiều vốn hơn chỉ tiêu đặt ra. Từ đó, đã mở ra cánh cửa cho nhiều sản phẩm sáng tạo như: Sổ tay giáo dục gia đình, Bước vào thế giới của nhau, 101 Bộ phim Việt Nam hay nhất, Họa sắc Việt...

Sau 2 năm nghiên cứu, soạn thảo và hiệu chỉnh, cuốn sách Dệt nên triều đại dưới hình thức gọi vốn cộng đồng, thu hút 267 người ủng hộ với số tiền hơn 212 triệu đồng (mục tiêu đặt ra là 200 triệu đồng). Từ đó, cuốn sách về trang phục và lễ nghi cung đình Việt Nam thế kỷ XV được nhóm Vietnam Centre cho ra mắt độc giả. Ngọc Linh, thành viên của Vietnam Centre cho biết, dự án lựa chọn hình thức gây quỹ cộng đồng (crowdfunding), mô hình được chứng minh là một trong những hình thức hiệu quả nhất thế giới để các nghệ sĩ trẻ độc lập, với những dự án sáng tạo có thể có được nguồn vốn ban đầu để phát triển...

Thực tế cho thấy, không phải dự án gây quỹ cộng đồng nào khi giới thiệu cũng thành công. Có tác phẩm chỉ “gọi” được hơn 10-50% số vốn mục tiêu. Nhưng dù gây quỹ thành công hay thất bại thì các tác giả, các nghệ sĩ vẫn có thể “đo lường” được sự quan tâm của công chúng đối với các sản phẩm của mình. Chúng cũng là một kênh để giúp quảng bá các tác phẩm nghệ thuật rộng rãi hơn. Hiệu quả của phương thức này cho thấy nó có khả năng giành một vị trí đáng kể trong hệ sinh thái xuất bản trong tương lai.

Tự xuất bản đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với nhiều tác giả, và thực tế, không chỉ với xuất bản sách giấy, xu hướng tương tự cũng diễn ra với sách điện tử, nhất là khi công nghệ số phát triển nhanh như hiện nay./.