Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xóm chài chống “thủy tặc”

PV - 08:30, 06/03/2018

Nằm ở cuối xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) từ lâu các xóm chài được người dân gọi là “xóm chống thủy tặc”. Bởi, trong các xóm quy tụ được nhiều quân nhân xuất ngũ và cựu chiến binh; đồng thời, cũng là những ngư dân dày dạn. Họ đều là những người tự nguyện đứng ra ngăn chặn các kẻ xấu, bảo vệ tài nguyên biển.

Kiên quyết đấu tranh với “thủy tặc”

Hầu hết người dân trong các xóm chài cuối xã Vĩnh Lương đều làm ngư dân. Trước nạn trộm cắp các ngư cụ và đánh bắt thủy hải sản theo hướng hủy diệt diễn ra phức tạp, họ lập nên các nhóm, tổ chống thủy tặc. Từ khi có các đội nhóm này, các ngư dân đã bắt được hàng chục tên trộm.

Ông Nguyễn Phong Linh, một trong những thành viên của nhóm chia sẻ: bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển cũng là bảo vệ cuộc sống và môi trường sống của chính những người dân miền biển này. Bởi thế nên chúng tôi tự nguyện vận động nhau thành lập các đội chuyên đi săn “thủy tặc”.

Ước mong chung của ngư dân là bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Ước mong chung của ngư dân là bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

 

Anh Nguyễn Văn Chín, một thành viên trẻ nhất trong nhóm chống “thủy tặc” Vĩnh Lương 1 bộc bạch: ban đầu được các bậc cao niên kêu gọi tham gia vào đội, tôi cũng ngại lắm vì còn thích những cuộc vui chơi hơn.

Nhưng sau đó, thấy công việc có lí và ý nghĩa nên tham gia cùng các anh, các chú lớn tuổi khác trong địa bàn. Khi phát hiện thấy dấu hiệu của nhiều đối tượng khả nghi, cả nhóm ngư dân chúng tôi sẵn sàng thức thâu đêm để theo dõi. Khi phát hiện các đối tượng xấu có ý đồ trộm cắp hay quăng các dụng cụ đánh bắt hủy diệt trên biển, lập tức báo cho các thành viên khác đồng loạt đến để trấn áp ngay.

Theo những người dân ở Vĩnh Lương, cách đây mấy năm, tình trạng “thủy tặc” ngang nhiên dùng xung điện, giã cào, thuốc nổ đánh bắt thủy sản làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngư dân làm nghề đánh bắt bằng các phương tiện truyền thống trở nên khó khăn, đời sống túng thiếu. Khi thấy trong địa bàn có các thành viên hăng hái đi bắt trộm và “thủy tặc” người dân vui mừng và còn góp tiền mua thêm một số chiếc tàu nhỏ cho các thành viên dùng để tuần tra gần bờ, bắt trộm. Từ đó, những cuộc truy quét “thủy tặc” để bảo vệ nguồn thủy sản của người dân trở nên quyết liệt hơn.

Gìn giữ nguồn lợi thủy sản

Tuy mới hình thành, nhưng những thành viên là ngư dân tự nguyện chống “thủy tặc” ở Vĩnh Lương đã có nhiều cuộc đối đầu nảy lửa, không hề khoan nhượng với các đối tượng xấu.

Anh Nguyễn Huy Thanh, một ngư dân tự nguyện tham gia chống “thủy tặc” kể lại: Một buổi tối cách đây không lâu, nhận được tin báo có 3 chiếc thuyền dùng xung điện hoạt động đánh bắt gần bờ, ngay lập tức anh em lên thuyền, vừa tới nơi thì 3 chiếc thuyền đều tẩu thoát vì kế hoạch bị chúng phát hiện. Chúng còn lấy cắp của nhà dân nhiều bộ lưới đánh bắt cá.

Các ngư dân kiên quyết đấu tranh với “thủy tặc”. Các ngư dân kiên quyết đấu tranh với “thủy tặc”.

 

Tuy nhiên, chúng tôi nhận định, nhóm “thủy tặc” này sẽ không chịu rút về tay không nên giả vờ không đuổi theo nữa mà bí mật theo dõi. Đến bãi biển khác chúng bắt đầu buông các dụng cụ đánh bắt hủy diệt xuống, kể cả chất nổ. Lúc này anh em chúng tôi lao đến quyết liệt truy đuổi. Chúng không dám quay lại nữa.

Không chỉ có đánh đuổi, tịch thu các dụng cụ đánh bắt hủy diệt, bắt viết cam kết không tái phạm, nhiều đối tượng manh động sẽ bị các ngư dân giao nộp cho cơ quan chức năng. Có nhiều đối tượng do hoàn cảnh đặc biệt mà tham gia trộm cắp tài sản của ngư dân, các thành viên trong nhóm chống “thủy tặc” đã khuyên nhủ và cảm hóa họ không làm những điều sai trái nữa.

Ông Nguyễn Phong Linh bộc bạch: Chúng tôi mong muốn không xảy ra đánh bắt hủy diệt, xâm hại tài nguyên biển cũng là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bảo vệ sự đa dạng tài nguyên và môi trường biển không bị ô nhiễm thôi chứ không phải cho riêng ai. Làm những công việc tự nguyện này chúng tôi cảm thấy rất vui và ý nghĩa. Nhất là việc cảm hóa được nhiều đối tượng lựa chọn con đường tốt để đi, từ đó cuộc sống của những ngư dân, những người hàng xóm của mình được bình yên hơn.

ĐÔNG HƯNG