Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xóa nhà tạm, nhà dột nát – trách nhiệm từ trái tim: Mái ấm cho đồng bào (Bài 1)

Sỹ Hào - 16:33, 13/04/2025

Hỗ trợ đồng bào DTTS xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án triển khai thực hiện từ hàng chục năm nay; mục tiêu hướng tới là xây mái ấm cho đồng bào.

Xóa nhà tạm,nhà dột nát không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà là trách nhiệm từ trái tim đối với các cấp, các ngành và của toàn xã hội, từ đó hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho người nghèo.
Xóa nhà tạm,nhà dột nát không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà là trách nhiệm từ trái tim đối với các cấp, các ngành và của toàn xã hội, từ đó hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho người nghèo

LTS: Với nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, mong mỏi “an cư” chỉ là giấc mơ xa vời nếu như không có trợ lực từ Nhà nước và toàn xã hội. Thấu hiểu điều đó, hàng chục năm nay, chính sách hỗ trợ về nhà ở đã được triển khai, gần đây nhất là Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà là trách nhiệm từ trái tim đối với các cấp, các ngành để hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho người nghèo.

Kiên trì thực hiện chính sách nhân văn

Đảng ta luôn xác định, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Các chủ trương về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đều thực hiện với nguyên tắc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển. Trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.

Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương này, ngày 12/3/2003, tại Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Một trong những yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương trong Nghị quyết số 24-NQ/TW là đến năm 2010, cơ bản xoá tình trạng nhà tạm, nhà dột nát ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Quán triệt chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Trong Chương trình hành động này, đối với nhóm giải pháp xóa đói giảm nghèo, Chính phủ đưa ra nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS thực sự có khó khăn về nhà ở.

Trong Chương trình hành động, Uỷ ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) được giao làm cơ quan giúp Chính phủ kiểm tra đôn đốc, tổng hợp và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình. Với tâm huyết, trách nhiệm với đồng bào, Ủy ban Dân tộc đã tích cực tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ; trong đó có chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 (QĐ 134).

Cùng với ngân sách nhà nước, giai đoạn 2000 - 2023, với sự tham gia tích cực của các lực lượng Quân đội, Công an, MTTQ, các doanh nghiệp và Nhân dân, cả nước đã có hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo QĐ 134, các hộ đồng bào DTTS nghèo tại chỗ chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá tạm bợ và đã hư hỏng, dột nát thì được tiếp cận chính sách. Với phương châm: “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ”, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo QĐ 134/TTg đã vượt kế hoạch đề ra.

Số liệu tại Hội nghị tổng kết thực hiện QĐ 134 do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 21/4/2009 cho thấy, tính đến hết năm 2008, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ gần 380.000 nhà ở, đạt 111% so với mục tiêu chương trình; tổng nguồn vốn thực hiện là trên 1.900 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách khác, việc hỗ trợ nhà ở đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn từ 47% (năm 2005) xuống còn 35,6% (năm 2008); tính chung giai đoạn 2005 – 2008 thì bình quân mỗi năm giảm được từ 3-4% hộ nghèo.

Mặc dù đã vượt kế hoạch đề ra nhưng theo rà soát của Ủy ban Dân tộc, số lượng hộ DTTS có nhà tạm bợ, nhà dột nát vẫn còn nhiều. Vì vậy, tại Hội nghị tổng kết thực hiện QĐ 134 ngày 21/4/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng (giai đoạn 2011 – 2016 là Chủ tịch Quốc hội khóa XIII) yêu cầu, đến hết năm 2010, các cấp phải tập trung giải quyết xoá bỏ nhà tạm cho Nhân dân, hỗ trợ xây mới bằng nguồn kinh phí của cả Trung ương, địa phương và cộng đồng.

Với phương châm: “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ”, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả ấn tượng. (Ảnh minh họa)
Với phương châm: “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ”, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả ấn tượng. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2009, mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, trong đó có hộ đồng bào DTTS, được “trợ lực” từ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 (QĐ 167). Trong Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 03/6/2022 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, chính sách theo QĐ 167 đã hỗ trợ nhà ở cho 531.000 hộ nghèo, trong đó 45% số hộ là người DTTS.

Từ năm 2021 đến nay, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho đồng bào DTTS được thực hiện theo 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025). Ngoài ra, mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ DTTS còn nhận được sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội.

Thách thức phía trước

Với sự huy động đầy trách nhiệm đó, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, phía trước vẫn còn đầy thách thức khi mà số lượng nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực trạng này đã được khái quát trong văn bản số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (diễn ra ngày 11/11/2024).

Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 05/10/2024. Ngay sau khi chương trình kết thúc, Ban Tổ chức đã huy động được 5.932 tỷ đồng.

Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, các ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và Nhân dân, trong thời gian qua, khoảng 340 nghìn hộ người có công với cách mạng và trên 800 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng trên 315 nghìn hộ có khó khăn về nhà ở (khoảng 106 nghìn hộ Người có công, 46 nghìn hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và 153 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đối với Người có công, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội”, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Thách thức càng lớn khi mà việc rà soát số liệu ở nhiều địa phương không loại trừ khả năng đã bỏ qua nhiều hộ đang ở trong nhà tạm, nhà dột nát. Nguyên nhân là những hộ này trước đây là được hỗ trợ về nhà ở từ QĐ 134 hoặc QĐ 167, nhưng nay vẫn ở trong những ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp.

Theo đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn), với định mức hỗ trợ thấp nên yêu cầu tuổi thọ về nhà ở trong QĐ 134 và QĐ 167 không dài. Riêng tại Bắc Kạn, theo đại biểu Ngân, toàn tỉnh thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nhà ở trước nay, nay vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống.

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Khúc mắc này đã được “cởi trói” với việc thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).

Theo đó, hộ nghèo người DTTS đã được thụ hưởng chính sách về nhà ở trước đây, nhưng nay có nhu cầu cấp bách về nhà ở vẫn có thể được hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719. Chương trình MTQG dự kiến giải quyết về nhà ở cho 18.300 hộ ở các địa bàn triển khai Chương trình. Ngoài ra, theo quy định tại Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, hộ gia đình được hỗ trợ đất ở, thì được đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở.

Cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng xã hội, nhất là khi Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025.

Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cũng đã được thành lập. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban; có 03 Phó Trưởng ban và các ủy viên là thành viên Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung làm Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo.

Với tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, thần tốc trong thực hiện, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả rất ấn tượng ngay trong những tháng đầu năm 2025. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong kỳ tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Trao “cần câu” cho đồng bào từ Chương trình MTQG 1719

Trao “cần câu” cho đồng bào từ Chương trình MTQG 1719

Những năm gần đây, nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế theo hướng bền vững cho đồng bào DTTS.