Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng thương hiệu biển xanh khu vực ĐBSCL: Những vấn đề đặt ra

PV - 10:25, 02/07/2019

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khoẻ của các hệ sinh thái biển, đại dương”. Tại Việt Nam, để nâng cao giá trị kinh tế biển xanh việc xây dựng thương hiệu quốc gia biển hay thương hiệu biển xanh đã được Chính phủ xác định là chiến lược, và đã có lộ trình thực hiện nhằm đưa những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, những tên gọi, hình ảnh gắn liền với biển, đảo Việt Nam.

Ngành tôm là thương hiệu biển đứng đầu của Cà Mau. Ngành tôm là thương hiệu biển đứng đầu của Cà Mau.

Phát biểu Tại Tuần lễ Biển, hải đảo năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã lưu ý các bộ, ngành và địa phương phải đoàn kết, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình. Đồng thời, kêu gọi xây dựng “thương hiệu biển” để phát huy những giá trị to lớn từ biển, đảo Việt Nam.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 7 tỉnh giáp biển, với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, hơn 360.000km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo. Đây là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp biển Đông và biển Tây, nằm gần tuyến hàng hải Đông-Tây sôi động nhất thế giới, là một cửa ngõ quan trọng xét trên nhiều lĩnh vực…

Tuy nhiên, sản phẩm kinh tế biển có thương hiệu của đồng bằng còn rất hạn chế; việc huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển kinh tế biển chưa tương xứng tiềm năng. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, đảo và ven biển chưa nhiều, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng các khu, điểm du lịch còn thấp kém. Tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ I, năm 2017 được tổ chức tại Cà Mau và mới đây Tuần lễ Biển, hải đảo lần thứ II, năm 2019, được tổ chức ở Bạc Liêu, thương hiệu biển xanh của đồng bằng đã nhiều lần được đề cập. Nhưng trên thực cho đến nay vẫn còn là... mục tiêu phấn đấu.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ở Cà Mau, việc xây dựng thương hiệu cho các ngành nghề liên quan đến biển là rất nhiều, và đa lĩnh vực, như du lịch, chế biến hải sản và nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt phát triển ngành tôm… Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thì thương hiệu cũng phải xứng tầm để đủ sức cạnh tranh và tồn tại. Do đó, rất cần được trợ lực bằng các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý và thực thi nghiêm trong việc bảo hộ thương hiệu cho từng lĩnh vực.

Ở Kiên Giang, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa chương trình hành động theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hiện kinh tế biển của Kiên Giang chiếm 73,82% GRDP toàn tỉnh. Tuy nhiên, để xứng tầm là tỉnh mạnh và phát triển bền vững về kinh tế biển, vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về tính chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm môi trường biển, phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái biển quan trọng; hay như việc hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm sinh kế của người dân vùng biển đảo...

Từ thực tiễn, yêu cầu xây dựng và phát triển thương hiệu biển xanh cho đồng bằng với đặc thù biển đảo độc đáo, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, gắn với các doanh nghiệp mạnh, uy tín là những vấn đề cần quan tâm, đòi hỏi bức thiết, cần có tư duy, tầm nhìn, chiến lược, hoạch định hệ thống cơ chế, chính sách và nỗ lực thực thi hiệu quả.

NHƯ TÂM