Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng thành trì lòng dân trên tuyến biên giới khu vực Đông Nam bộ: Đổi thay trên miền biên viễn (Bài 1)

Đỗ Long- Thanh Liêm - 08:24, 28/08/2023

Đi dọc tuyến biên giới thuộc tỉnh Bình Phước, đến đâu chúng tôi cũng được tận mắt chứng kiến những xóm làng trù phú của đồng bào dân tộc Xtiêng, Mnông, Khmer… với nhiều tuyến đường bê tông nhựa phẳng lì cùng những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên san sát. Cuộc sống của bà con đang ngày một đổi thay, không còn nhiều hộ nghèo, có hộ vươn lên làm giàu trên dải đất biên cương.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7 và UBND huyện Bù Gia Mập thăm, động viên người dân ở khu tái định cư Đắk Á, xã Bù Gia Mập
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7 và UBND huyện Bù Gia Mập thăm, động viên người dân ở khu tái định cư Đắk Á, xã Bù Gia Mập. (Ảnh HB)

Tách ra từ tỉnh Sông Bé (cũ), Bình Phước có đường biên giới dài hơn 258km giáp 3 tỉnh Kratie, Mondulkiri và Tabong Khmum thuộc Vương quốc Campuchia nên chính quyền, người dân hai bên thường tổ chức những sự kiện gặp gỡ, giao lưu trên mọi lĩnh vực, nhằm tăng cường tình đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đã góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia thêm thắm thiết.

Bừng sáng ở khu tái định cư

Đến thăm Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7), đóng chân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, chúng tôi được Thiếu tá Trần Quang Bắc, Phó Đội trưởng Đội sản xuất số 5 dẫn vào Khu tái định cư Đắk Á (xã Bù Gia Mập). Khu tái định cư rộng gần 9ha, xây dựng từ năm 2020 dưới sự giám sát thi công của đơn vị. Thiếu tá Trần Quang Bắc cho biết: “Trước đây, đời sống của bà con người Xtiêng và người Mnông rất khó khăn, không nhà cửa, vườn tược, ai kêu gì làm đó. Từ khi chuyển vào khu tái định cư, đời sống kinh tế đã khá hơn nhiều, ai cũng có công ăn việc làm, con cái không bỏ học giữa chừng”.

Một góc Khu tái định cư Tiểu khu 119 (còn gọi là Khu dân cư Hai Căn), thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Một góc Khu tái định cư Tiểu khu 119 (còn gọi là Khu dân cư Hai Căn), thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Khu tái định cư đã có 60 hộ dân vào ở, dự kiến năm 2025 sẽ tăng lên 120 hộ. Mỗi hộ được cấp 500m2 (400m2 đất thổ cư) và 1 nhà ở cùng công trình điện, nước, đường, đèn năng lượng trị giá từ 110 -135 triệu đồng. Từ miền quê nghèo Nghệ An, gia đình chị Mông Thị Hương (dân tộc Mông) chuyển vào thôn Bù Rên (xã Bù Gia Mập) hái tiêu, cà phê, nhặt điều kiếm sống. Cuộc sống ăn bữa nay, lo bữa mai. Khi được cấp đất, cấp nhà, gia đình chị Hương còn được hỗ trợ bò giống, chị mở cửa hàng tạp hóa, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng và trở thành hộ thoát nghèo nhanh nhất khu tái định cư.

Tại khu tái định cư còn có rất nhiều hộ gia đình khác đã vươn lên phát triển, không còn cảnh lo từng bữa, chạy vạy vay mượn mỗi khi ốm đau, mùa màng thất bát như hộ gia đình chị Đỗ Thị Lan, Thị Phia, Điểu Lý…

Rời Khu tái định cư Đắk Á, chúng tôi đến Khu tái định cư Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, hay còn gọi là Khu dân cư Hai Căn) do Đoàn 778 xây dựng. Khu tái định cư rộng 36,5ha, hiện bố trí cho 146 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người Việt từ Campuchia về và đồng bào DTTS. Từ một vùng đất hoang vu được nhiều người ví von là nơi “khỉ ho cò gáy”, không “điện, đường, trường, trạm”. Sau hơn 6 năm được “tiếp sức” từ nhiều phía, nay khu dân cư Hai Căn đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đời sống của đồng bào các DTTS ổn định, ấm no. Nhà nào cũng mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại phục vụ cuộc sống.

Năm 2002, vợ chồng ông Nguyễn Văn Kênh (72 tuổi) từ Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) trở về lòng hồ Cần Đơn thuộc xã Phước Minh (huyện Bù Gia Mập) làm nhà bè nổi để nuôi cá. Thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày, mỗi khi mưa dông, gió lớn, gia đình ông Kênh thót tim vì bè cá vỡ. Năm 2017, gia đình ông được cấp 1 căn nhà cấp bốn rộng 40m2 tại Khu dân cư Hai Căn, ông Kênh mở thêm quán bán tạp hóa, nhận điều về bóc vỏ lụa, cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng, trẻ con được đến trường, không còn nỗi lo thất học.

Gia đình chị Thị Đúp, dân tộc Xtiêng trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo “không chốn nương thân”. Chị Đúp kể: “Trước đây, ông xã tôi bị bệnh nặng. Nhà có gì đáng giá cũng phải bán hết để chữa bệnh, tốn bao nhiêu tiền rồi nhưng ổng cũng không qua khỏi. Cách đây 6 năm, các cán bộ đưa 3 mẹ con về đây cấp nhà, cấp đất rồi hỗ trợ nhiều thứ nữa, có cả hỗ trợ bò nuôi. Giờ đây, tôi vừa chăn nuôi bò vừa đi làm thuê để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Các con đi học không mất tiền học phí, hằng tháng còn được Nhà nước hỗ trợ tiền nữa. Tôi khuyên các con phải siêng học để sau này có việc làm ổn định”.

Một trong những hộ khá giả nhất ở khu Hai Căn phải kể đến gia đình ông Điểu Tứ. Nhờ siêng năng, chí thú làm ăn, nay gia đình ông đã xây dựng được cơ ngơi bề thế. Sau khi chia tài sản cho 4 người con ra ở riêng, ông còn 6 ha vườn, trong đó 5 ha cao su và 1 ha điều. Ngoài ra, ông còn có 0,5ha đất trồng hoa màu, vừa phục vụ gia đình vừa để bán và tặng những người khó khăn trong thôn. Mỗi năm, gia đình ông Điểu Tứ có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Tứ còn đi đầu trong việc liên hệ với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 để đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động trong thôn, sau đó giới thiệu vào đơn vị này và các công ty, hộ cá thể trong vùng cạo mủ.    

Một góc điểm dân cư liền kề xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước).
Một góc điểm dân cư liền kề xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước).

Dân vận khéo

Bình Phước hiện có khoảng 199.000 người là DTTS, chiếm gần 20% dân số của tỉnh, trong đó có 364 Người có uy tín, 94 già làng. Thành phần Người có uy tín, già làng ở Bình Phước rất đa dạng, có cả cán bộ hưu trí, cán bộ thôn, ấp, chức sắc, chức việc các tôn giáo, người sản xuất, kinh doanh giỏi... Nhiều năm trở lại đây, Người có uy tín ở Bình Phước đã trở thành cầu nối quan trọng trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ông Khằm Thanh Sơn (dân tộc Nùng, thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) được bà con tín nhiệm suy tôn là Người có uy tín từ 4 năm nay. Ông đã tuyên truyền, vận động bà con không cầm cố đất đai, không bán đất sản xuất để đầu tư phát triển sản xuất. Trong thôn 10 có gia đình anh Điểu Xen (dân tộc Xtiêng) đông con, ít đất sản xuất, cây trồng kém năng suất nên kinh tế rất eo hẹp. Anh Điểu Xen có ý định bán nương rẫy thì ông Sơn khuyên “đất của đồng bào là tài sản vô giá”, nếu cầm cố cho người khác, lãi mẹ đẻ lãi con thì có ngày mất cả nhà cửa. Nghe lời ông Sơn khuyên, anh Điểu Xen chú tâm làm ăn, giữ được đất sản xuất.

Trao bò giống cho bà con dân tộc Xtiêng (huyện Bù Gia Mập) để phát triển kinh tế, góp phần thoát nghèo.
Cán bộ trao bò giống cho bà con dân tộc Xtiêng (huyện Bù Gia Mập) để phát triển kinh tế, góp phần thoát nghèo.

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Duy Dương, Chính ủy Đoàn 778, anh cho biết, đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và đầu tư các dự án cơ bản bàn giao cho địa phương. Coi công tác dân vận là cốt lõi nên hằng năm, Đoàn 778 phối hợp với các bệnh viện khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người. Đồng thời mở 2- 3 lớp dạy cạo mủ cao su cho các hộ đồng bào DTTS. Nhờ cạo mủ thuê cho đơn vị mà hơn 100 hộ có công ăn việc làm, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống bà con ngày càng ổn định, đủ đầy.

Đoàn 778 còn nhận đỡ đầu cho 62 con em đồng bào DTTS, mỗi em được hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm, giá trị tương đương 300 đồng/tháng. Vào đầu năm học, đơn vị trao tặng vài ngàn cuốn tập, quần áo để các em đến trường. Đoàn 778 cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt các chức sắc, chức việc và hơn 30 già làng, trưởng thôn, Người có uy tín nhằm nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của đồng bào; giúp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, công trình tôn giáo và đón Tết cổ truyền với bà con đồng bào DTTS để tình quân dân thêm bền chặt, tạo nên “thành luỹ lòng dân”, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.