Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng phong trào đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở tôn giáo

Khánh Ngân - 09:17, 08/11/2022

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 3 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Những năm qua, cộng đồng dân cư các tôn giáo luôn chung sống hòa thuận, tình hình an ninh trật tự (ANTT) xã hội ở địa phương luôn được đảm bảo.

Mô hình nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo phật tử ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (ảnh minh họa)
Mô hình bảo đảm ANTT nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo phật tử ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (ảnh minh họa)

Mô hình hay cần nhân rộng

Cùng với sự chung tay của nhiều tầng lớp Nhân dân, phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh trật tự góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được các chức sắc, lãnh đạo giáo hội địa phương và cơ sở tôn giáo đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 39 mô hình đảm bảo ANTT tại các cơ sở Phật giáo và Công giáo trên địa bàn đang duy trì hoạt động. Trong đó, Phật giáo có 30 mô hình, Công giáo có 8 mô hình và 1 mô hình kết hợp giữa Phật giáo và Công giáo (mô hình Lương giáo đoàn kết tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong).

Trong số 39 mô hình đó, có nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả, như mô hình bảo đảm ANTT trong các cơ sở tôn giáo ở huyện Cam Lộ, Triệu Phong, thành phố Đông Hà… Nhiều mô hình sau khi đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả thiết thực, được đánh giá cao. Từ những mô hình này, tinh thần đoàn kết ở các khu dân cư, cơ sở tôn giáo và trong quần chúng Nhân dân được thắt chặt. Đây là tiền đề, là động lực để kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương phát triển.

Ở huyện Cam Lộ, mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” đã thu hút được đông đảo bà con Nhân dân tham gia. Với nội dung thiết thực như: tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử nói và làm theo Hiến pháp, pháp luật. Tuyên truyền vận động quần chúng bài trừ mê tín dị đoan. Tuyên truyền, hướng dẫn tăng ni, phật tử và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm góp phần bảo vệ ANTT xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, mô hình cũng vận động tăng ni, phật tử tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện xã hội…làm cho xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Từ hiệu quả mô hình tại Cam Lộ, nhiều địa phương trong tỉnh đã học tập kinh nghiệm và xây dựng thành công mô hình này. Nổi bật là mô hình “Phật giáo Đông Hà tham gia giữ gìn ANTT và xây dựng đô thị văn minh” được triển khai tại 5 cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố Đông Hà.

Các tổ chức tôn giáo đã chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền đảm bảo ANTT đến tín đồ tôn giáo, đưa giáo lý các tôn giáo vào thực tiễn cuộc sống bằng những bài giảng tại ngày lễ tôn giáo, khuyên bảo con cháu trong gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Cùng đồng lòng với các thành phần tôn giáo, dân tộc khác bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Mô hình “ Giáo xứ bình yên, đảm bảo ANTT, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Hội Điền, xã Hải Phong (Hải Lăng, Quảng Trị)
Mô hình “ Giáo xứ bình yên, đảm bảo ANTT, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Hội Điền, xã Hải Phong (Hải Lăng, Quảng Trị)

Đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc, tư tưởng chống phá của các thế lực thù địch, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; những vị chức sắc các tôn giáo đã trở thành cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo không tin, không nghe, đồng thời chống lại luận điệu xuyên tạc của những thế lực thù địch. Họ đã cùng với Nhân dân bảo đảm vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bồi đắp truyền thống đại đoàn kết của Nhân dân ta.

Mô hình bảo đảm ANTT ở các cơ sở tôn giáo tại Quảng Trị là một cách làm hay cần được nhân rộng. Với cách làm thiết thực như vận động gia đình phật tử ký cam kết với chính quyền trong việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản nơi thờ tự, đề phòng các biểu hiện tiêu cực trong xã hội (Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Cam Lộ); Hay như mô hình “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”. Tuyên truyền, vận động mỗi gia đình giáo dân thực hiện tốt việc giáo dục con cháu trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội với phương châm sống “Kính Chúa, yêu nước”, “Sống tốt đời đẹp đạo”… đã tạo được sức lan tỏa trong quần chúng Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng mô hình đảm bảo ANTT trong các tôn giáo là cần thiết. Mô hình này vừa góp phần giải quyết các vấn đề cụ thể về ANTT trên địa bàn, vừa củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, toàn dân một lòng cùng với Đảng xây dựng quê hương giàu đẹp, đất nước hùng cường.