Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS và miền núi: Vẫn còn nhiều thách thức

PV - 10:08, 26/08/2019

Tính đến tháng 7/2019, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ở các địa phương vùng DTTS và miền núi đạt 45,2%. Mặc dù vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước nhưng đây là một kết quả rất đáng khích lệ của vùng DTTS và miền núi trong nỗ lực xây dựng NTM.

Người dân tích cực xây dựng NTM

Tại Hội nghị tham vấn sáng kiến Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 30/7, ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết, hiện tỷ lệ xã đạt

chuẩn NTM của cả nước là 50,01% (tương ứng với 4.458 xã trong tổng số 8.914 xã). Dù xuất phát điểm thấp nhưng các địa phương vùng DTTS và miền núi cũng đã có những nỗ lực trong xây dựng NTM; hiện đã có 3.214 xã; 54 huyện của vùng đạt chuẩn.

Diện mạo nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi thay đổi nhờ thực hiện Chương trình NTM. (Ảnh minh họa) Diện mạo nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi thay đổi nhờ thực hiện Chương trình NTM. (Ảnh minh họa)

“Một số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc vùng miền núi, có đông đồng bào DTTS, dù điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn nhưng đang phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2019, như: TP. Sơn La, TP. Lai Châu, TP. Hà Giang, …”, ông Thắng cho biết.

Một trong những điều kiện đầu tiên, quyết định để các địa phương vùng DTTS và miền núi hoàn thành xây dựng NTM là huy động nguồn lực. Theo thống kê, giai đoạn 2011-2015, vùng DTTS và miền núi huy động được hơn 676 nghìn tỷ đồng để thực hiện. Còn trong 4 năm (2016-2019), hơn 988 nghìn 866 tỷ đồng đã được huy động để các địa phương vùng DTTS và miền núi xây dựng NTM.

Theo ông Thắng, trong xây dựng NTM, nguồn lực từ ngân sách Trung ương chỉ chiếm một phần nhỏ; quan trọng nhất là các địa phương phải linh hoạt lồng ghép các nguồn lực. Cụ thể, từ 2016-2019, trong hơn 988 nghìn 866 tỷ đồng huy động được thì ngân sách Trung ương chỉ chiếm 1,17%, còn ngân sách địa phương đối ứng chiếm 11,48%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án chiếm 12,34%...

“Trong giai đoạn này, nguồn lực do cộng đồng và người dân đóng góp đạt 70 nghìn 599 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,14% tổng nguồn lực thực hiện”, ông Thắng vui mừng nói.

Trước đó, giai đoạn 2011-2015, các địa phương vùng DTTS và miền núi cũng đã huy động được gần hơn 79 nghìn 962 tỷ đồng từ người dân và cộng đồng (chủ yếu là hiến đất, đóng góp vật liệu xây dựng và ngày công lao động) để xây dựng NTM.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng NTM nhưng phải khẳng định, các địa phương vùng DTTS vẫn là “vùng trũng”. Để xây dựng NTM thì khu vực này đang đối diện với rất nhiều thách thức.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, ngoài tỷ lệ xã đạt chuẩn còn thấp so với tỷ lệ chung cả nước thì bình quân tiêu chí/xã ở các địa phương vùng DTTS và miền núi mới chỉ đạt 14,78 tiêu chí (cả nước đạt 15,26 tiêu chí). Đặc biệt, vẫn còn 1.314 xã thuộc khu vực này còn dưới 10 tiêu chí.

Ngoài ra, báo cáo được đưa ra tại Hội thảo sơ kết Chương trình 135 giai đoạn 2016-2010, 10 năm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM trên địa bàn vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2010-2020 được Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Đăk Lăk ngày 25/7/2019 cũng cho thấy, nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đang gặp nhiều thách thức trong xây dựng NTM. Trong đó, khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ các xã đạt chuẩn NTM chỉ chiếm 26,45%; khu vực Tây Nguyên chỉ chiếm 37,73%.

Đáng chú ý, bình quân tiêu chí/xã ở khu vực miền núi phía Bắc hiện chỉ đạt 12,28 tiêu chí; khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 13,72 tiêu chí. Đặc biệt, như tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh có 177 xã thì hiện vẫn còn 114 xã dưới 10 tiêu chí; Sơn La có 188 xã thì vẫn còn 108 xã dưới 10 tiêu chí,…

Xét theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020 cho từng khu vực thì các địa phương vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là thực hiện tiêu chí về thu nhập (tiêu chí số 10) và tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí số 11). Kết quả thống kê của Ủy ban Dân tộc cho thấy, khu vực miền núi phía Bắc có tổng số 2.280 xã thì hiện chỉ mới có 931 xã đạt tiêu chí về thu nhập (tối thiểu đạt 36 triệu đồng/người/năm), 969 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo (từ 12% trở xuống).

Còn với khu vực Tây Nguyên, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020 quy định thu nhập bình quân phải đạt tối thiểu 41 triệu đồng/người/năm trở lên thì trong tổng số 599 xã toàn khu vực mới chỉ có 307 xã đạt. Còn về tiêu chí hộ nghèo (7% trở xuống) thì mới chỉ có 290/599 xã đạt…

Nêu lên như vậy để thấy, công cuộc xây dựng NTM nói riêng, phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi nói chung vẫn còn quá nhiều thách thức, nhất là trong việc tăng thu nhập để giảm nghèo. Đây là vấn đề cần được các nhà hoạch định tính toán chu toàn khi xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi giai đoạn sau năm 2020.

TÙNG NGUYÊN