Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng nông thôn mới ở một xã biên giới

PV - 15:26, 03/04/2018

Tỉnh Lạng Sơn có 21 xã, thị trấn biên giới. Trong đó Yên Khoái là xã biên giới đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) từ cuối năm 2017, đây là kết quả hết sức đáng ghi nhận. Nhìn lại chặng đường đã qua, có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong việc triển khai thực hiện xây dựng NTM ở xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình. Đó là sự quyết tâm cao, sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã.

Xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình có 776 hộ với trên 3.300 nhân khẩu, đời sống kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã đồng lòng hưởng ứng; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước để tập trung xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, đời sống của đồng bào được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

Yên Khoái về đích NTM nhờ có sự đồng thuận, quyết tâm cao của chính quyền và người dân. Yên Khoái về đích NTM nhờ có sự đồng thuận, quyết tâm cao của chính quyền và người dân.

 

Một trong những mô hình nổi bật được người dân và chính quyền thực hiện thành công là mô hình sản xuất lúa Nhật. Đây là mô hình có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người nông dân. Doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mô hình này được địa phương nhân rộng trong năm 2017 và sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2018.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, các công trình cơ sở hạ tầng như trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang; hầu hết đường giao thông liên xã và liên thôn đã được nhựa hoá hoặc bê tông xi măng… Đến nay, 8 thôn của xã đều đã có đường bê tông đi lại thuận tiện, 100% đạt thôn văn hóa; 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của xã đều đạt chuẩn quốc gia; văn hóa, y tế được đảm bảo; an ninh trật tự vùng biên được giữ vững.

Theo đó, bộ mặt NTM xã Yên Khoái đã có nhiều đổi thay rõ nét. Nếu như năm 2012 thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ đạt 13 triệu đồng/năm thì đến cuối năm 2017 thu nhập bình quân đầu người đã đạt 22,33 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 10 hộ (chiếm 1,28%). Từ đó xã Yên Khoái đã hoàn thành tốt 19 tiêu chí NTM.

Giờ đây, đến Yên Khoái, không ai còn gọi nơi đây là xã “vùng sâu, vùng xa” như những năm trước bởi diện mạo xã đã có nhiều đổi thay. Chị Nguyễn Thị Nhiệm, người dân thôn Bản Khoai chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây chủ yếu trồng lúa, ngô và nuôi lợn, nuôi gà để ổn định cuộc sống. Hưởng ứng “phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, năm 2015, tôi đã đầu tư 70 triệu đồng xây dựng nhà làm ki ốt để kinh doanh, bán hàng tạp hoá, hằng năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.

Mặc dù đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, nhưng việc duy trì và tiến tới nâng cao chất lượng các tiêu chí vẫn đang đặt ra nhiều thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã. Ông Hoàng Văn Thuận, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Khoái khẳng định: “Để NTM được duy trì bền vững, điều trước tiên phải đảm bảo được tiêu chí thu nhập. Do vậy, địa phương sẽ tiếp tục triển khai mô hình trồng cây cam đường canh, trồng lúa Nhật Bản theo hướng sản xuất hàng hoá để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân”.

MINH THU