Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng nông thôn mới Nghệ An: Nhiều địa phương “ôm nợ” vì chạy theo thành tích

PV - 11:29, 22/10/2018

Mặc dù, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều thành tích, góp phần thay đổi diện mạo các bản làng nông thôn và miền núi…. Tuy nhiên, để về đích NTM, nhiều địa phương ở Nghệ An đã “đánh đổi” bằng việc mang theo những khoản nợ không hề nhỏ, gây ảnh hưởng lâu dài về gánh nợ kinh phí cho địa phương và cuộc sống người dân…

Người dân đã phải cố gắng để tham gia đóng góp tiền xây dựng nhiều công trình hạ tầng đáp ứng tiêu chí NTM. Người dân đã phải cố gắng để tham gia đóng góp tiền xây dựng nhiều công trình hạ tầng đáp ứng tiêu chí NTM.

Theo thống kê của Ban điều phối xây dựng NTM tỉnh Nghệ An, hiện nay số nợ đọng xây dựng NTM của các địa phương có thời điểm đã lên đến 751 tỷ đồng.

Nợ đọng đã làm cho người dân và chính quyền địa phương phải oằn lưng gánh chịu. Ông Nguyễn Văn Lệ, người dân xóm 4, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành chia sẻ, từ ngày xã triển khai xây dựng NTM, năm nào người dân cũng phải đóng góp về sức người và tiền bạc. Ngoài các khoản đóng góp theo quy định của Nhà nước, bà con phải đóng thêm khoản từ 200 đến 400 ngàn đồng/năm để chính quyền trả nợ làm đường giao thông và xây dựng trường học…

“Những hộ có nguồn thu nhập ổn định thì không sao, đối với người dân chỉ thuần túy sản xuất nông nghiệp như chúng tôi, đây là khoản tiền không hề nhỏ…”, ông Lệ phàn nàn.

Ông Trần Bá Toàn, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: Xã Sơn Thành được UBND huyện chỉ đạo xây dựng xã điểm NTM. Do đó, chính quyền đã huy động hơn 233 tỷ đồng từ mọi nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn nội lực của dân còn hạn chế cùng với đó là còn phụ thuộc quá nhiều trong sản xuất nông nghiệp nên sau gần 8 năm triển khai, xã vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản trên 23 tỷ đồng. Cũng theo ông Toàn, hàng năm người dân phải đóng góp một khoản tiền nhất định để trả nợ cho các hạng mục đã đầu tư.

Điều đáng lo lắng khác là, sau gần 8 năm xây dựng các hạng mục công trình đang có dấu hiệu xuống cấp, nếu hư hỏng người dân sẽ có thể phải đóng góp kinh phí để sửa chữa…

Qua khảo sát, tìm hiểu ở một số địa phương thì không chỉ có xã Sơn Thành phải ôm nợ, mà hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Yên Thành đều đang chịu chung tình trạng nợ đọng.

Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Hiện nay Yên Thành đã có 25 xã về đích xây dựng NTM. Tuy nhiên, số nợ tồn đọng của các địa phương đã lên đến gần 100 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Yên Thành là, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xuất phát điểm của các xã thấp, nhu cầu đầu tư thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên còn hạn chế.

Trong quá trình xây dựng NTM, một số địa phương chưa quan tâm bố trí vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, chưa xử lý dứt điểm nợ của ngân sách cấp; một số dự án ứng vốn để thi công dẫn đến khối lượng thực hiện vượt nhiều so với số vốn trong kế hoạch.

Bên cạnh đó, vốn để đầu tư các công trình ở cấp huyện, xã chủ yếu là từ đấu giá đất nhưng nguồn thu này cũng rất hạn chế, tình trạng nợ xây dựng cơ bản chậm được xử lý…. Đặc biệt, một nguyên nhân nữa là nhiều địa phương có dấu hiệu chạy theo thành tích, tư duy nhiệm kỳ, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế...

MINH THỨ