Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xả thải trực tiếp ra sông Mã: Chính quyền bất lực hay doanh nghiệp có "phép"?

Quỳnh Trâm - 17:13, 10/05/2021

Từ đầu tháng 3 đến nay, tình trạng cá chết trên sông Mã đoạn chảy qua các địa bàn thuộc huyện Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vẫn chưa có dầu hiệu dừng lại. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tổng thể, mới phát hiện ra thủ phạm chính là các cơ sở chế biến tre, luồng, sản xuất giấy nằm dọc ven sông xả trộm chất thải.

Các ống ngầm xả thải được thiết kế lắp sâu xuống lòng đất để ngụy trang tránh sự phát hiện của các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Bá Thước
Các ống ngầm xả thải được thiết kế lắp sâu xuống lòng đất để ngụy trang tránh sự phát hiện của các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Bá Thước

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, tại các địa bàn thuộc huyện Bá Thước, Cẩm Thủy liên tục xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Thống kê ban đầu có tới 55 tấn cá lồng, chưa tính số cá tự nhiên chết trên sông. Những người nuôi cá rơi vào cảnh tuyệt vọng khi vốn liếng bị chôn vùi cùng những lồng cá chuẩn bị đến ngày thu hoạch.

Ban đầu, nhiều người còn đổ do thời tiết, do điều kiện chăm sóc hay dịch bệnh. Song kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn xác định: khi mổ cá không thấy bị xuất huyết bên ngoài; mang và nội tạng cá bình thường; không có hiện tượng xuất huyết, tụ huyết bất thường; không ghi nhận dấu hiệu bệnh nào trên số cá chết.

Kết quả kiểm tra 2 mẫu cá chết trên sông Mã của Viện Nuôi trồng thủy sản I thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho thấy: không phát hiện vi khuẩn gây bệnh trên mẫu cá. Cá chết trên sông Mã không phải do mắc bệnh truyền nhiễm.

Một số người nuôi cá lồng trên sông cho biết, thời điểm cá chết, nước sông có màu đen, mùi hôi tanh bất thường. Lúc này, những nghi vấn mới được đặt vào các cơ sở chế biến tre, luồng, ngâm ủ bột giấy ở dọc sông Mã.

Trước tình hình trên, huyện Bá Thước đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua nhiều biện pháp, thậm chí đào xuống lòng đất nơi nghi có ống ngầm xả thải, buộc 4 doanh nghiệp phải thừa nhận có hành vi xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã. 

Tiếp đó, huyện Quan Hóa cũng vào cuộc tổng kiểm tra các cơ sở, liên tiếp phát hiện 6 cơ sở xả thải ra môi trường. Đa phần các ống ngầm xả thải được thiết kế lắp sâu xuống lòng đất để ngụy trang tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Với những thủ đoạn tinh vi như vậy, không ai xác định được các doanh nghiệp này đã xả trộm chất thải từ bao giờ, và bao nhiêu lượng chất thải bẩn đã bị xả ra môi trường. Nếu không vì có hiện tượng cá chết, cơ quan chức năng không kiểm tra quyết liệt, thì chắc chắn các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đầu độc môi trường bằng các ống ngầm mà không ai hay. Điều này cũng bộc lộ sự hạn chế trong công tác quản lý của chính quyền địa phương cũng như thái độ coi thường pháp luật của chính các doanh nghiệp.

Sự vô trách nhiệm, coi thường pháp luật của các doanh nghiệp này không chỉ phá hủy môi trường, khiến người nuôi cá mất sinh kế, mà đáng lo ngại hơn, ở phía hạ nguồn, người dân nhiều huyện sử dụng nguồn nước sông Mã để sản xuất và sinh hoạt, nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Người dân huyện Bá Thước xót xa khi nhìn những lồng cá mình nuôi chết bất thường
Người dân huyện Bá Thước xót xa khi nhìn những lồng cá mình nuôi chết bất thường

Xử lý bước đầu sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đình chỉ hoạt động sản xuất giấy vàng mã, bột giấy của Công ty TNHH Tân Thái Thanh ở Bá Thước, một trong số các cơ sở xả thải ra sông Mã.

Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khẳng định: Quan điểm của cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Bá Thước là đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã, gây ra tình trạng cá chết hàng loạt những ngày qua, gây thiệt hại cho người dân nuôi cá lồng.

Ngoài Công ty TNHH Tân Thái Thanh, lãnh đạo huyện Bá Thước còn đề nghị UBND tỉnh cho dừng hoạt động sản xuất giấy vàng mã, bột giấy của các doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường; yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng, lắp đặt đủ hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vận hành mới được hoạt động trở lại. Đồng thời, doanh nghiệp vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá lồng trên sông Mã.