Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vượt những cơn đau bằng khát vọng

PV - 09:57, 14/03/2018

Hình ảnh những bệnh viện lẫn các trang bệnh án ngày càng dày lên khiến Đặng Đình Quý (khu kinh tế mới Lâm Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) dần nhận ra sự nghiệt ngã và đau đớn của số phận mình.

Nhưng, chính sự khích lệ chứa ẩn lòng nhân từ của những người mặc áo blouse trắng cộng với nghị lực phi thường, Quý bền bỉ vươn lên và không ngừng khát vọng những điều cao đẹp cho cuộc sống, cộng đồng và bản thân.

Nụ cười nở trên chông gai

Đặng Đình Quý sinh năm 1984, tại Phù Cừ (Hưng Yên) bị bại não bẩm sinh. Tuổi thơ của Quý đầy đau thương và dữ dội. Có lúc tưởng chừng không thể vượt qua nổi bởi từ chân tay đến não đều bất động, mọi sinh hoạt đều phải cậy nhờ người thân.

Đặng Đình Quý luôn tự tin vượt qua dông bão. Đặng Đình Quý luôn tự tin vượt qua dông bão.

 

Hơn 10 năm trước, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Quý kể với tôi rằng; Ngày nhỏ, con đường từ Hưng Yên đến các bệnh viện ở Hà Nội là con đường đầy nước mắt, với anh. Nhà nghèo xác xơ, lọt lòng đã bị bại não bẩm sinh. Gia đình chạy chữa đến mức không còn gì đáng giá trong nhà nhưng đầu Quý vẫn không ngóc lên được, cứ nằm bẹp. Các bác sĩ khuyên gia đình Quý hãy kiên trì, biết đâu sự tiến bộ của y học cộng với niềm tin, sự tập rèn của bản thân người bệnh rồi sẽ có ngày cải thiện được sức khỏe. Lời khuyên ấy như ánh sáng len lỏi vào ký ức để Quý luôn tự nhủ với mình, đừng bao giờ gục ngã, dẫu chỉ còn ít ngày để sống.

Không chèo chống nổi với những khó khăn, gia đình Quý di cư vào Lâm Hà vỡ vạc đất hoang làm kinh tế mới với hy vọng một ngày khá hơn sẽ rước Quý vào tiếp tục chữa bệnh. Ở lại quê nhà với ông bà, Quý quyết tâm bò lê đến trường làng làm quen với con chữ.

Quý bảo, mình có khuyết tật nên phải học suốt ngày đêm, vừa học vừa lết chân đi mò cua, bắt ốc. Những ngày đầu đến lớp cứ như cực hình, những ngón tay cứ co quắp lại, bệnh não khiến học trước quên sau nhưng vẫn muốn chứng minh cho mọi người thấy mình không thể gục ngã. Có những đêm khuya vắng, Quý gắng gượng tập đi, liên tục ngã đến tóe máu và bầm dập đôi chân nhưng trong tâm trí vẫn bừng sáng niềm tin, ngày mai sẽ là một ngày tươi đẹp hơn.

Nhiều lần, chỗ này, chỗ kia Quý nghe được những lời bàn tán quanh mình rằng: Cậu ấy bé tí, trí não có vấn đề lại liệt một chân còn đi học để làm gì, chắc tò mò coi trường lớp ra sao. Những lúc ấy, nước mắt chỉ chực trào nhưng anh lại liền nghĩ đến lời khuyên của các bác sĩ, của gia đình và khát vọng ở phía tương lai.

Đi qua những tháng ngày tuổi thơ với bao dồn nén, Quý nảy ra ý tưởng viết nên những kịch bản phim về số phận và sự nhân văn, bác ái, thánh thiện của cuộc sống quanh mình nên anh vào Lâm Đồng cùng cha mẹ để vừa đi học bổ túc ban đêm vừa giúp gia đình phơi phóng cà phê.

Có những ngày thiếp đi bên trang sách bên rẫy cà phê Quý lại miên man nghĩ về sự sống. Chính gia đình, người thân và các y bác sĩ đã giúp mình có sự sống đến hôm nay nên không thể nản lòng.

Và rồi nhiều người phải ngỡ ngàng khi Quý thi đậu vào khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Yersin Đà Lạt. Ở trường đại học, Quý không tụ tập đám đông, đặc biệt không muốn người khác thương hại mình. Điều này càng khiến tôi nể phục.

Trong suốt thời gian theo học, bằng tất cả sự nỗ lực của mình, Quý đã nhận được những học bổng rất danh giá như; học bổng “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” do Tỉnh đoàn Lâm Đồng trao tặng, học bổng “Ươm mầm ước mơ” do Ngân hàng Sacombank trao tặng, học bổng IPL “Hạt giống lãnh đạo”.

Những chùm quả ngọt đầu mùa phần nào giúp Quý tự trang trải việc học hành, chữa bệnh đồng thời thúc đẩy đam mê viết kịch ngày càng mãnh liệt hơn. Suốt nhiều đêm trắng miệt mài sáng tạo cuối cùng Quý cũng hoàn thành hơn 1.000 trang kịch bản bộ phim “Những mùa hè đã qua”. Viết xong, anh mạnh dạn gửi đến Hãng phim truyện Việt Nam và âm thầm chờ đợi.

Niềm vui như vỡ òa khi hãng phim thông báo kịch bản của anh được duyệt để dựng phim, được trả nhuận bút cao. Như một động lực, từ đó cứ mấy ngày sau, Quý lại khoe với tôi vừa viết thêm 5 trang, 10 trang rồi đến 500 trang kịch bản phim “Mùa mai anh đào” và nhiều kịch bản khác.

Sáng tạo thương hiệu vì sức khỏe

Sợ bệnh bại não sẽ cướp đi mạng sống của mình bất cứ lúc nào nên Quý lại dùng tất cả số tiền tích cóp được từ những trang kịch bản phim để đi khắp nơi nghiên cứu ra một loại cà phê mới. Loại cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng có tên “S-Coffee-Việt Nam trong một cốc cà phê”.

Chữ “S” trong nhãn hiệu cà phê rang xay siêu sạch Quý đang đeo đuổi là muốn giới thiệu về hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện với những vùng đất giàu bản sắc và những con người giàu nghị lực, thông minh. Sự kết hợp này hy vọng mang đến cho cả hai lĩnh vực cà phê và du lịch một sự liên tưởng khác biệt của thế giới về Việt Nam. Một Việt Nam đẹp bình dị trên những bao bì cà phê của S-Coffee.

Đặng Đình Quý giới thiệu về sản phẩm “S-Coffee-Việt Nam trong một cốc cà phê” tại cuộc thi Đổi mới và Sáng tạo do VCCI tổ chức năm 2015. Đặng Đình Quý giới thiệu về sản phẩm “S-Coffee-Việt Nam trong một cốc cà phê” tại cuộc thi Đổi mới và Sáng tạo do VCCI tổ chức năm 2015.

 

Quý thổ lộ; Đây là hình thức quảng bá hình ảnh Việt Nam trên những bịch cà phê là sáng tạo và khác biệt, trước những chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tốn kém nhưng chưa đạt được hiệu quả như hiện nay. Có thể coi đây là một sự tái định vị thương hiệu hoàn hảo khó có thể tốt hơn.

Chúng tôi hy vọng khi người Việt mang trên tay cốc S-Coffee sẽ hiện lên đầy đủ hình ảnh, tâm hồn và những gì thân thương, bình dị nhất của nước Việt Nam.

Để khát vọng sớm thành hiện thực, Quý gửi nhãn hiệu và sản phẩm “S-Coffee-Việt Nam trong một cốc cà phê” tham dự cuộc thi Đổi mới và sáng tạo do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức và đoạt giải Ba. Sản phẩm này cũng được Ban Tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh-Pernod Ricard” (do tập đoàn Pernod Ricard Việt Nam tổ chức) đánh giá cao và trao giải Nhì.

34 tuổi, tự thân vượt qua bao ngày đớn đau của thể xác và bệnh tật để sở hữu vài ngàn trang kịch bản phim và một dự án khác biệt đang đeo đuổi đã là đáng nể nhưng có những phút yếu lòng hiếm hoi, Quý lại nhắn với tôi rằng; Bệnh bại não hành hạ mình cực lắm. Khó khăn trăm bề như người đi trong dông bão vậy. Nhưng rồi, sự yếu lòng ấy chỉ như ánh chớp loáng qua, Quý lại cười vang lao vào làm việc để trang trải cho bản thân và gia đình mình.

Viết kịch và nghĩ ra sản phẩm sạch cho cộng đồng vừa là cách để khẳng định mình cũng là để gửi những thông điệp đến cuộc sống. Đôi lần, Quý sẻ chia rằng; Tôi thích nghề viết, nhất là viết kịch bản phim vì với tôi mỗi kịch bản là một thế giới, nơi ấy ẩn chứa những số phận của con người được thể hiện trên những thước phim chạm đến trái tim người khác. Cuộc đời tôi cũng như một cuốn phim, vui ít, buồn nhiều nhưng ngập tràn ánh sáng của niềm tin.

HÀ VĂN ĐẠO