Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vượt khó để trở thành "Sinh viên 5 tốt"

Bá Nha – Y Krư - 06:27, 20/04/2021

Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Pinăng Thị Huệ (dân tộc Raglai) luôn nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập. Ngoài ra em còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang, trở thành 1 trong 22 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” của tỉnh Khánh Hòa.

Pinăng Thị Huệ - cô sinh viên dân tộc Raglay đạt danh hiệu "Sinh viên 5 Tốt”
Pinăng Thị Huệ - cô sinh viên dân tộc Raglay đạt danh hiệu "Sinh viên 5 Tốt”

Pinăng Thị Huệ sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông hiếu học ở thôn Gia É, xã miền núi Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Nhà có 7 anh chị em, kinh tế rất khó khăn nhưng vẫn được ba mẹ tạo điều kiện cho học hành đến nơi đến chốn.

Thời còn học ở bậc phổ thông, Pinăng Thị Huệ phải thường xuyên lên rẫy phụ giúp gia đình. Thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân càng thôi thúc em tìm đến chân trời tri thức.

Pinăng Thị Huệ tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Ninh Thuận từ năm 2014, nhưng mãi đến 2018, khi hai anh trai tốt nghiệp ra trường, Huệ mới dám thi vào trường cao đẳng.

Huệ tâm sự: “Sau khi học xong phổ thông, thấy các bạn cùng trang lứa đi học chuyên nghiệp, em khát khao được đi học lắm, nhưng còn phải phụ giúp cha mẹ việc nương, rẫy để lo cho 2 anh và 2 em học ổn định trước. Sau đó, nhờ sự động viên của các cô bên Hội Phụ nữ xã, sự ủng hộ của mẹ nên em quyết định đăng ký xét tuyển vào học sư phạm mầm non”.

Khi nhập học vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang (lớp M23B, chuyên ngành Giáo dục mầm non), Huệ cầm trên tay vỏn vẹn 500 nghìn đồng. Thời điểm này, ba em bị tai nạn, gia đình khó khăn hơn trước. Năm đầu, Huệ vừa học vừa đi làm thêm. Năm thứ hai, vì phải tập trung cho việc học nên Huệ không đi làm được. May mắn cho em có một người bạn ở quê luôn động viên, hỗ trợ mỗi tháng một triệu đồng để Huệ chi phí sinh hoạt. “Đó là một tình bạn như chuyện cổ tích vậy”, Huệ xúc động chia sẻ.

Là sinh viên có tuổi đời già dặn hơn so với các bạn cùng lớp nhưng tính cách của Huệ vui vẻ, hòa đồng nên được bạn bè quý mến. Trong quá trình học tập, Huệ luôn chăm chỉ lắng nghe thầy cô giảng bài và tự giác tìm tòi, tự học thêm nên kết quả học tập của Huệ luôn đạt khá giỏi. Năm học 2018 -2019, Pinăng Thị Huệ được Nhà trường xét bình chọn trao học bổng và đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường (Học tập tốt - Đạo đức tốt - Kỹ năng tốt - Hội nhập tốt - Thể lực tốt).

Pinăng Thị Huệ (đứng thứ tư từ trái sang phải- hàng thứ nhất) tích cực tham gia các phong trào thể dục thể thao của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang.
Pinăng Thị Huệ ( hàng thứ nhất- thứ tư từ trái sang phải) tích cực tham gia các phong trào thể dục thể thao của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang.

Không chỉ hiếu học, Pinăng Thị Huệ còn là tình nguyện viên tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện của trường và của Đoàn Hội cấp trên như: Chiến dịch tình nguyện hè; Tiếp sức mùa thi; Tình nguyện vì cộng đồng…

Có lẽ cái nắng, cái gió của miền sơn cước đã tôi luyện nên một Pinăng Thị Huệ đa tài: một “cây văn nghệ” với chất giọng ngọt ngào, một vận động viên môn bóng chuyền “cừ khôi” đã giật nhiều giải thưởng về cho trường, hơn thế nữa, Huệ đang tham gia đề tài nghiên cứu khoa học tại trường.

Nói về Pinăng Thị Huệ, anh Trần Công Huân, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang nhận xét:Pinăng Thị Huệ là một sinh viên nghèo nhưng rất chịu khó học tập. Huệ đã nhiều lần giành được học bổng và nhận được giấy khen của Nhà trường. Huệ luôn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Đoàn - Hội như tham gia “Mùa hè xanh tình nguyện” để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Pinăng Thị Huệ là một trong số ít sinh viên của trường đạt danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” của tỉnh Khánh Hòa”.

Khi nói về ước mơ của mình, Pinăng Thị Huệ chân thành bày tỏ: “Em mong ước học ra trường được trở về làm cô giáo mầm non ngay chính trên quê hương mình. Em thấy hiện nay, giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số tại địa phương còn ít, em muốn góp sức mình cho sự nghiệp giáo dục những mầm xanh tương lai”.