Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vùng cao Yên Bái đổi thay nhờ phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

Thanh Phong - 16:02, 18/04/2025

Yên Bái là tỉnh miền núi có tới 57,4% là đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2019-2024, công tác dân tộc, chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chú trọng. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 6,98%/năm.

Huyện Mù Cang Chải ngày càng thay da đổi thịt, cuộc sống Nhân dân từng bước được nâng cao
Huyện Mù Cang Chải ngày càng thay da đổi thịt, cuộc sống Nhân dân từng bước được nâng cao

Quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2020 đến 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành hơn 200 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án bao trùm trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các nội dung, chỉ tiêu phát triển vùng đồng bào DTTS. Tuy là tỉnh nghèo, song cùng với các chính sách của Trung ương, Yên Bái đã ban hành các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, qua đó đã tăng cường nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của đồng bào. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 6,98%/năm.

Cùng với đó, tỉnh tập trung thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Yên Bái đã ưu tiên dành 91.281,5 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS; trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, điện lưới, viễn thông, phát thanh, truyền hình...).

Vùng trồng tre Bát Độ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh
Vùng trồng tre Bát Độ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh

Ghi nhận tại huyện miền núi Trấn Yên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Người Mường, Tày, Dao, Mông... Toàn huyện có 21 xã, thị trấn thì có 12 xã được thụ hưởng các chính sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).

Theo số liệu báo cáo của huyện Trấn Yên, từ năm 2021 -2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục MTQG 1719 trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt khoảng 18,629 tỷ đồng. Huyện đã triển khai 4 công trình nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt thôn: Khe Ron, Khe Tiến, xã Hồng Ca và thôn Đồng Song, Kiên Lao, xã Kiên Thành; 3 công trình đường giao thông thôn: Khe Tiến, Hồng Lâu, xã Hồng Ca và thôn Khe Cá, xã Lương Thịnh… Một số dự án khác đã được Trấn Yên tập trung triển khai ở cơ sở như: hỗ trợ giải quyết cho các hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, máy móc dịch vụ nông nghiệp… với kinh phí trên 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 86 hộ tại 6 xã với số tiền 241 triệu đồng; hỗ trợ máy móc dịch vụ nông nghiệp cho 38 hộ xã Hồng Ca, kinh phí trên 266 triệu đồng; hỗ trợ làm 48 nhà cho đồng bào DTTS nghèo tại 10 xã, kinh phí 1,92 tỷ đồng…

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Yên Bái còn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh hiện có 79,3% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 72% xã có khu thể thao; 966 thôn, tổ dân phố có khu nhà văn hóa từ 200m2 trở lên, 324 tổ dân phố có khu nhà văn hóa dưới 200m2. Tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 87,8%, có 342 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 77,38%. Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số 6.929 giường bệnh bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho người dân.

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào các dân tộc thiểu số Yên Bái đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, đóng góp công sức, nhân lực, vật lực trong thực hiện Chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng quê hương.

Bằng các giải pháp linh hoạt, sát thực tiễn, Yên Bái đã tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Từ năm 2021 đến 2024, Yên Bái giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 30,36% xuống 10,04%, vượt xa chỉ tiêu trung ương giao (5%/năm). Thu nhập bình quân của người dân tăng hơn 2 lần, đạt 33,25 triệu đồng/người/năm (vượt 5,41 triệu so với mục tiêu). Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm đạt 100%, tỷ lệ thôn có đường cứng hóa đạt 96%.

Ngoài ra, Yên Bái đã làm mới 1.464 nhà cho hộ nghèo, tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, mở rộng sinh kế cho hàng ngàn hộ dân và bảo tồn văn hóa các dân tộc thông qua mô hình đội văn nghệ truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung diện mạo vùng cao Yên Bái đã thay đổi toàn diện, tạo nền tảng để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS từ Chương trình MTQG 1719

Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS từ Chương trình MTQG 1719

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và là ngôi nhà chung của 95% đồng bào DTTS, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), Cao Bằng đã có nhiều điều kiện thuận lợi để cụ thể hóa mục tiêu này.