Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Vui Tết độc lập" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

PV - 15:00, 03/09/2020

Các hoạt động tháng 9 với chủ đề "Vui Tết độc lập" của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra từ ngày 1 - 30/9/2020, với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer)...

Các hoạt động trong tháng 9 với chủ đề "Vui Tết độc lập" nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Biên phòng)
Các hoạt động trong tháng 9 với chủ đề "Vui Tết độc lập" nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Biên phòng)

Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020), Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức các hoạt động tháng 9 với chủ đề "Vui Tết độc lập".

Các hoạt động tháng 9 của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra từ ngày 1 - 30/9/2020, nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”; đồng thời, góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, các hoạt động thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch và mở đầu cho mùa du lịch cao điểm cuối năm 2020, lan tỏa tinh thần cùng nhau khắc phục khó khăn, đoàn kết cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19.

Hoạt động tháng 9 với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng huy động thêm khoảng 30-35 nghệ sĩ, diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn ngày 2/9/2020. Huy động sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn ca múa nhạc vào các ngày 20, 21/9/2020.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật do Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện với các tiết mục xiếc đặc sắc như: Xiếc thú, ảo thuật, xiếc hề, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… nhằm mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng tới tham quan tại “Ngôi nhà chung” trong dịp Quốc khánh.

Vào mỗi cuối tuần sẽ diễn ra Chương trình biểu diễn ca múa nhạc “Gửi trọn niềm tin” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc, các ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, ca ngợi về quê hương đất nước của các sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Bên cạnh đó còn tái hiện Lễ Sen Dolta (Lễ cúng ông bà) tại quần thể chùa Khmer. Sen Dolta là một trong ba lễ lớn trong năm của đồng bào dân tộc Khmer, có ý nghĩa là lễ báo hiếu, cúng ông bà tổ tiên nên dịp lễ diễn ra, con cháu dù bận rộn đến mấy cũng trở về sum họp với gia đình làm lễ báo hiếu, sau đó là đi chùa làm lễ cầu an cho ông bà, tưởng nhớ công ơn đấng sinh thành, cùng các thành viên trong dòng họ ôn lại những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc.

Lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ được tái hiện. Theo quan niệm của đồng bào Ê Đê sau khi lúa được đưa về nhà phải đem gạo nấu thành cơm cúng thần linh để báo cáo những thành quả lao động trong năm vừa qua, cảm tạ trời đất ông bà tổ tiên đã cho một vụ mùa bội thu, cây trái xanh tươi và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, sung túc. Với ý nghĩa tâm linh đó, dù được hay mất mùa mỗi gia đình Ê Đê đều làm lễ cúng cơm mới để cảm tạ thần linh tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu, thắt chặt thêm tình đoàn kết và cũng là dịp để đồng bào giáo dục con cháu về cội nguồn.

Giao lưu ca nhạc “Về nghe gió kể” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng diễn ra tại Làng. Giới thiệu các loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian của Tây Nguyên để mang tới một không gian đượm chất Tây Nguyên bằng âm nhạc từ diễn tấu chiêng đồng, nhạc cụ tre nứa… đến những ca khúc đầy sức sống cuốn hút của mảnh đất và người Tây Nguyên.

Các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ giúp khán giả cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray... Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, leo cột, kéo co...

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.