Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vực dậy danh trà Gò Loi

Thành Nhân - 15:21, 18/05/2020

Trà Gò Loi là đặc sản nổi tiếng của huyện Hoài Ân (Bình Định). Đã có một thời gian dài, danh trà này “vắng bóng” trên thị trường. Vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã bắt tay, vực dậy danh trà Gò Loi, giúp người trồng chè có thêm điều kiện làm giàu bằng loại cây trồng này.

Những vườn chè Gò Loi đang được khôi phục lại, giúp địa phương có thêm sản phẩm đặc trưng và người dân có thêm thu nhập
Những vườn chè Gò Loi đang được khôi phục lại, giúp địa phương có thêm sản phẩm đặc trưng và người dân có thêm thu nhập

Khoảng thời gian từ năm 1985 - 1988, trà Gò Loi rất có tiếng tăm, ai đến Hoài Ân cũng mua một vài bịch mang về dùng hoặc làm quà. Theo các hộ sản xuất trà Gò Loi tại Hoài Ân, tiêu chuẩn quan trọng để làm nên loại trà Gò Loi ngon nức tiếng, là búp trà phải đạt 1 tôm 2 lá non. Chọn búp đinh ngắn, mập, chắc để khi sao xong sẽ cho đinh trà chắc, không bị vụn; trà được hái vào buổi sáng sớm khi vừa tan sương nhưng chưa có nắng để có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Trà Gò Loi chính hiệu phải là trà khi chế ra có màu vàng hơi đậm, vị chát tương đối dịu.

Ông Nguyễn Xuân Oanh, thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), Chủ nhiệm Câu lạc bộ trà Gò Loi cho biết: Trà Gò Loi không có cánh đẹp như hoa cau, không có mốc trắng đều đặn như có tuyết bám vào, sắc nước cũng không vàng xanh bằng trà Thái Nguyên, nhưng vị đậm đà và độ ngọt của trà Gò Loi là “độc nhất vô nhị”. 

Tuy nhiên, danh tiếng trà Gò Loi đã bị mai một sau một thời gian khá dài do Nông trường chè Gò Loi giải thể, năm 2006, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã phối hợp với huyện Hoài Ân chọn cơ sở chế biến trà Gò Loi của ông Nguyễn Phước Cầu đưa lên tỉnh Lâm Đồng để ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ bằng thiết bị sấy trà kiểu lò quay thay vì phương pháp thủ công. 

Ngày 19/5/2016, thương hiệu Trà Gò Loi đã chính thức được công nhận với tên nhãn hiệu “Hữu Oanh”. Đến cuối tháng 10/2016, UBND huyện Hoài Ân phối hợp với Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo nhãn hiệu chứng nhận trà Gò Loi, với sự tham gia của đại diện các ngành cùng 28 hộ sản xuất trà Gò Loi trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: “Từ những vườn trà đơn lẻ trong dân, đến nay huyện đã nhân rộng lên khoảng 25ha. Để tiếp tục phát triển nhân rộng, việc tổ chức đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu công nghiệp nhãn hiệu chứng nhận cho trà Gò Loi là hết sức cần thiết”.

Theo ông Phong, huyện Hoài Ân cũng đang triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp cho các nông sản đặc trưng, và trà Gò Loi là một trong những ưu tiên. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hoài Ân quy hoạch phát triển diện tích trồng cây chè Gò Loi 42,5ha. Theo đó, huyện sẽ thực hiện hỗ trợ 100% về giống, 20% hệ thống tưới tiêu, điện nước và kỹ thuật cho các hộ dân trồng trà.

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và người dân, sau nhiều năm vắng bóng trên thị trường, danh trà Gò Loi đã dần được phục hồi trở lại. Mỗi năm, người trồng chè Gò Loi ở xã Ân Tường Tây đưa ra thị trường khoảng một tấn sản phẩm trà khô, với giá rất cao từ 300 - 500 ngàn đồng/kg mà vẫn không đủ cung cấp.