Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vòng luẩn quẩn đói nghèo ở khu tái định cư Vụ Bổn: Những tia sáng hy vọng (Bài 2)

Lê Hường - 18:44, 22/03/2021

Mặc dù đất đai ở khu tái định cư Vụ Bổn khó canh tác, nhưng lại phù hợp với việc chăn nuôi đại gia súc, ở đây cũng đã có một số hộ khá nên từ chăn nuôi trâu, bò. Do đó, để giải bài toán giảm nghèo cho khu tái định cư, địa phương cần linh hoạt trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế hộ.

Ông Y Nham Byă, buôn Cư Kniêl hiện có 10 con bò, là một hộ kinh tế khá vững ở khu tái định cư
Ông Y Nham Byă, buôn Cư Kniêl hiện có 10 con bò, là một hộ kinh tế khá vững ở khu tái định cư

Hy vọng từ những hộ đã thoát nghèo

Buôn Cư Kniêl, một trong các buôn rất khó khăn trong khu tái định cư Vụ Bổn, đặc biệt là điều kiện sản xuất nông nghiệp. Mặc dù tất cả các hộ ở buôn đều có cả héc ta đất rẫy, nhưng thu nhập hàng năm từ cây trồng chỉ được 10-15 triệu đồng vì đất khó canh tác. 

Chính vì vậy, buôn Cư Kniêl được chính quyền địa phương quan tâm, ưu tiên các nguồn kinh phí từ Chương trình 135, các dự án giảm nghèo bền vững... để hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có những hộ dân thoát nghèo nhờ chăn nuôi đại gia súc.

Gia đình anh Y Nham Byă và chị H’Biêr Ayun từng là hộ đặc biệt khó khăn, khi đến buôn Cư Kniêl, anh chị được cấp 7 sào đất, nhưng sản xuất kém hiệu quả, cuộc sống luẩn quẩn trong khó khăn thiếu thốn. Năm 2007, gia đình anh được cấp 1 con bò sinh sản từ Chương trình 135, được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi,  và được thụ hưởng thêm từ vốn hỗ trợ của Chương trình 135, gia đình anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển đàn bò. 

Đến nay, không những trả hết nợ ngân hàng, gia đình anh đã có 10 con bò làm vốn để phát triển sản xuất; sắm sửa được máy cày, xe công nông chở thuê và máy phay ruộng... Năm 2020, gia đình anh chính thức thoát nghèo.

Tương tự, từ khi chuyển về khu tái định cư, nguồn thu chính của gia đình ông Y Ô Niê, là 1ha mì, nhưng năng suất thấp, chẳng đủ ăn. Năm 2005, gia đình ông Y Ô Niê được cấp 1 con bò cái sinh sản từ Chương trình 135, đến nay đàn bò của gia đình ông có hơn 20 con. Từ chăn nuôi gia súc, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo và hiện là hộ có kinh tế thuộc dạng khá nhất buôn.

Theo chị H’Yok Niê, Trưởng buôn Cư Kiêl, mặc dù khó khăn trong gieo trồng sản xuất,  nhưng việc chăn nuôi gia súc lại tương đối thuận lợi. Nhờ sự năng động của một số hộ gia đình và sự linh hoạt trong triển khai chính sách, hiện nay buôn đã có tổng đàn bò 220 con. Trong đó, một số hộ gia đình từ hộ nghèo, nhờ nuôi bò thoát nghèo...

Từ thực tế này, những năm gần đây, xã Vụ Bổn đã ưu tiên dành các nguồn lực để hỗ trợ người dân khu tái định cư chuyển đổi sản xuất. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ  bò giống theo Chương trình 135, chương trình giảm nghèo bền vững…đã tạo được chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất, và bước đầu giúp một số hộ dân thoát nghèo. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này cũng mới chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa phát huy hiệu quả...

Đàn bò của một hộ dân buôn Cư Kniêl
Phát triển chăn nuôi bò là một lợi thế ở khu tái định cư Vụ Bổn

Và giải pháp của chính quyền địa phương

Chia sẻ thông tin về thực trạng đời sống, kinh tế, xã hội của đồng bào trong các buôn khu TĐC Vụ Bổn, ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Pắk cho biết: Mặc dù xây dựng gần 20 năm, nhưng đến nay, giao thông ở khu TĐC Vụ Bổn vẫn còn cách trở, trục đường chính từ trung tâm huyện vào là đường đất, cấp phối xuống cấp, còn các hướng khác chỉ có đường mòn và đi bằng đò. Các buôn tái định cư được đầu tư qua nhiều giai đoạn, cơ sở chưa đồng bộ. 

"Hiện nay, Phòng Dân tộc đang thực hiện rà soát, đánh giá lại thực trạng đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào các buôn TĐC để đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới",  Trưởng phòng dân tộc Phạm Hồng Thái cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên về giải pháp lâu dài đối với khu TĐC, ông Y DJoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, để hỗ trợ người dân khu TĐC Vụ Bổn, huyện sẽ tiến hành rà soát lại diện tích đất canh tác, năng suất cây trồng xem khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó. Ví dụ như ở các buôn Ea Nông A, Ea Nông B, thiếu nước sản xuất lúa thì sẽ tìm nguồn nước, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước. Trước đây, huyện cũng đã từng có ý định, xây dựng kênh dẫn dòng đưa nguồn nước từ hồ Krông Búk Hạ về Vụ Bổn, nhưng do nguồn kinh phí lớn quá nên chưa thực hiện được.

“Mặt khác, huyện cũng đã đề nghị chính quyền xã tích cực định hướng bà con bám đất thâm canh, chuyển đổi cây trồng phù hợp; tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn, chuyên ngành thu hút đầu tư liên kết phát triển cây trồng phù hợp. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, mở nhiều lớp đào tạo nghề phù hợp mà đồng bào có thể sống được với nghề. Quan điểm của huyện, các chương trình Nhà nước đầu tư, phải được khai thác hiệu quả, không lãng phí nguồn lực, đối tượng thụ hưởng phải thực sự hưởng lợi", ông Y Djoang Niê nói.

Trở lại ví dụ về mô hình chăn nuôi bò của Chương trình 135 hiệu quả đã  chứng minh đây cũng là giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất tự nhiên của khu tái định cư, có thể nhân rộng, giải quyết phần nào cho bài toán giảm nghèo ở khu tái định cư Vụ Bổn .