Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Với 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, liệu có giá rẻ cho người thu nhập thấp?

Minh Ngọc - 15:16, 21/09/2022

Bên cạnh sự phục hồi của thị trường bất động sản sau dịch bệnh đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc thị trường, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm ưu thế. Trong khi đó, thị trường thiếu trầm trọng nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỉ đồng/căn, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân, người lao động thu nhập thấp. Năm 2020, nhà ở xã hội chỉ chiếm 1%, con số này hầu như biến mất khỏi thị trường vào 6 tháng đầu năm 2022, trong khi căn hộ cao cấp chiếm đến 80,1%.

Công nhân, người lao động thu nhập thấp vẫn đang mòn mỏi chờ một chốn an cư thực thụ chứ không phải trong mơ
Công nhân, người lao động thu nhập thấp vẫn đang mòn mỏi chờ một chốn an cư thực thụ chứ không phải trong mơ

Nghịch lý vẫn đang diễn ra, khi phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, trong khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá rẻ cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng, và thậm chí biến mất trên thị trường nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù các địa phương đã khởi động tới 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn, tích hợp sẵn khoảng 1.282.850 m2. Nhưng, các kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu hiện hữu. Nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,6 triệu căn hộ và mục tiêu hoàn thành cho giai đoạn này là khoảng 1,8 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu).

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Mục tiêu đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TP. Hồ Chí Minh xây 130.000 căn hộ.

Nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm chưa đáp ứng được một bộ phận lớn người lao động thu nhập thấp
Nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm chưa đáp ứng được một bộ phận lớn người lao động thu nhập thấp

Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, có 23 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường khoảng 17.900 căn hộ trong khi theo ước tính, nhu cầu về nhà ở xã hội trong giai đoạn này là khoảng 80.000 căn. Tại Hà Nội hiện có 25 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với gần 12.909 căn hộ. Dự kiến, trong quý III và IV/2022, khi 2 dự án mới được khởi công sẽ bổ sung thêm 1.860 căn.

Tuy nhiên, một câu hỏi mà hàng triệu người lao động đặt ra là liệu giá nhà ở xã hội có quá cao so với thu nhập của người lao động để sở hữu căn hộ này không?

Trong 3 năm trở lại đây, căn hộ bình dân và nhà ở xã hội giá rẻ cho người thu nhập thấp tại TP. Hồ Chí Minh hầu như đã biến mất, dự báo trong 3 năm tới cũng không khá hơn. Về giá, căn hộ sơ cấp tăng mạnh do nguồn cung mới tập trung ở phân khúc trung và cao cấp. Điển hình, tại TP. Hồ Chí Minh trong 5 năm qua, mức giá bình quân đã tăng 14%/năm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Cùng với đó, theo quy định, ngân hàng chỉ có thể cho vay 80% tổng giá trị hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội. Điều này có nghĩa là nếu căn nhà có giá trị 1 tỉ đồng thì người vay phải có sẵn 200 triệu đồng. Đối với người có thu nhập thấp, việc phải có sẵn vốn 200 triệu đồng là không hề đơn giản. Đó là chưa kể nhà ở xã hội có giá 1 tỉ đồng hiện nay gần như không còn. Như vậy, người dân phải có sẵn nhiều hơn 200 triệu đồng mới có thể mua được nhà ở xã hội.

Cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội
Cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Một thực tế hiện nay, đó là nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế dẫn đến việc một số chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của pháp luật thực hiện chưa kịp thời, dứt điểm. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân khó khăn hơn dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng với quy mô nguồn vốn tín dụng được cấp nhỏ so với nhu cầu, người thu nhập thấp không dễ tiếp cận. Ví dụ, một lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì dư lại khoảng 6 triệu đồng. Do đó, họ cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng. Còn với mức thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng cũng phải tích cóp trong 10-15 năm, với điều kiện họ không phải chi trả cho các khoản phí về ốm đau, bệnh tật,…

Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030 và yêu cầu các bộ, ngành cần có giải pháp rút ngắn thủ tục, khuyến khích hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia. Đây là một trong những tín hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng về một nguồn cung nhà ở xã hội dồi dào hơn cho các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, những bất cập “muôn năm cũ” vẫn còn hiển hiện như những chướng ngại vật khiến những mục tiêu, kế hoạch về nhà ở xã hội không ít lần bị vỡ.

Trên thực tế, người dân vẫn mong nhà ở xã hội như nắng hạn mong mưa. Vẫn còn rất nhiều người dân đang ngóng chờ tới lượt mình được “đổi đời”, an cư lạc nghiệp. Nhưng liệu các nút thắt đã nêu lên trong nhiều năm qua có được gỡ bỏ để người lao động có nhu cầu nhanh chóng được tiếp cận nhà ở xã hội hay không là vấn đề cần đặt ra.