Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vinh danh 10 tài năng khoa học trẻ giải Quả cầu vàng 2021

Nguyệt Anh (T/h) - 15:53, 19/12/2021

10 gương mặt xuất sắc và 20 nữ sinh viên tiêu biểu được chọn để trao giải Quả cầu vàng với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021 tặng 5 tài năng trẻ tiêu biểu có mặt tại buổi lễ.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021 tặng 5 tài năng trẻ tiêu biểu có mặt tại buổi lễ.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2021.

Năm nay, giải thưởng ưu tiên tìm kiếm các ngành thuộc danh mục những lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên của quốc gia đến năm 2030 nhằm góp phần định hướng, thúc đẩy thế hệ trẻ nghiên cứu, ứng dụng và khởi nghiệp theo chiến lược phát triển đất nước, tích cực chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Sau gần 3 tháng phát động, đã có 66 hồ sơ đề cử của 27 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước và các đại sứ quán Việt Nam, Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài gửi tham gia Giải thưởng năm 2021.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết: so với những năm trước, số lượng hồ sơ tham gia đã tăng lên, nhất là khu vực ứng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài, đến từ nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu uy tín tại Hàn Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản và Bỉ.

“Hầu hết hồ sơ có chất lượng cao với nhiều thành tích xuất sắc, trong đó nhiều cá nhân có bằng sáng chế, giải pháp hiệu quả, là chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, quốc tế ứng dụng vào thực tiễn, nhiều công bố quốc tế danh mục Q1, nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước”, đồng chí Bùi Quang Huy chia sẻ.

Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2021 được phát động trong 2 tháng, nhận được 101 hồ sơ đăng ký. Trong số này, có 8 nữ sinh dân tộc thiểu số, 1 nữ sinh khuyết tật.

Ngoài thành tích học tập nổi trội, nhiều nữ sinh tham gia xét tặng Phần thưởng năm nay từng có bài đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tế cao; giành giải cao các cuộc thi khởi nghiệp, lập trình trong nước và quốc tế; là “sinh viên 5 tốt”, thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác…

Những nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhận phần thưởng năm 2021.
Những nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhận phần thưởng năm 2021.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2021 tặng 10 tài năng trẻ thuộc 5 lĩnh vực công nghệ: thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa, y-dược, sinh học, môi trường, vật liệu mới. Đồng thời, trao phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2021 tặng 20 cá nhân thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí.

10 gương mặt nhận giải Quả cầu vàng năm 2021

TS Nguyễn Thanh Bình (35 tuổi), ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. HCM, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, có 4 bằng độc quyền sáng chế, 8 bài báo công bố tạp chí khoa học quốc tế, chủ trì một đề tài cấp cơ sở.

TS Phạm Quốc Việt (31 tuổi), giáo sư hợp đồng, ĐH Quốc gia Busan, Hàn Quốc, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, có 59 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế, tác giả của 3 chương sách phục vụ đào tạo được đơn vị uy tín thế giới xuất bản.

ThS Lê Hoàng Quỳnh (34 tuổi), giảng viên ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, có 2 bằng độc quyền sáng chế, 3 bài báo công bố quốc tế, 22 bài công bố trên hội thảo khoa học quốc tế.

TS Trương Thanh Tùng (32 tuổi), giảng viên Khoa dược, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, Trường ĐH Phenikaa, lĩnh vực công nghệ y dược, có một bằng sáng chế quốc tế, 19 bài báo khoa học công bố tạp chí quốc tế, chủ trì một đề tài cấp cơ sở, tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống các nhà xuất bản Nature, Springer Nature, Elesevier.

TS.BS Đào Việt Hằng (34 tuổi), Phó giám đốc Trung tâm nội soi can thiệp, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, giảng viên ĐH Y Hà Nội, lĩnh vực công nghệ y dược, 5 bài báo công bố quốc tế, chủ trì 4 đề tài cấp cơ sở, tác giả hai giáo trình, một sách tham khảo được nhà xuất bản uy tín phát hành, một chương sách chuẩn ISSN.

TS Đỗ Phúc Huyền (35 tuổi), Phó giám đốc Viện Kinh tế và công nghệ y tế (iHeat), lĩnh vực công nghệ y dược, có 25 bài báo công bố quốc tế, chủ trì một đề tài cấp cơ sở và một đề tài hợp tác quốc tế, giành giải thưởng cho nghiên cứu viên trẻ tại Hội nghị toàn cầu về dịch tễ học, Hiệp hội Dịch tễ học quốc tế.

TS Ninh Thế Sơn (33 tuổi), Viện hóa học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, lĩnh vực công nghệ sinh học, có 2 giải pháp hữu ích, 43 bài báo công bố quốc tế, chủ trì một đề tào cấp cơ sở, đạt giải thưởng Nhà khoa học trẻ tiêu biểu lần thứ 3 năm 2020.

ThS Hồ Xuân Vinh (34 tuổi), Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, lĩnh vực công nghệ môi trường, có một bằng độc quyền sáng chế, 3 giải pháp hữu ích, chủ trì 6 đề tài cấp cơ sở và một đề tài hợp tác quốc tế.

TS Nguyễn Trọng Hiếu (33 tuổi), nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp, ĐH Quốc gia Australia, lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, có 67 bài báo khoa học công bố tạp chí quốc tế, một báo cáo xuất sắc tại hội thảo quốc tế (Oral presentation), chủ trì 4 đề tài cấp Bộ và tương đương.

TS Phạm Văn Trình (35 tuổi), nghiên cứu viên chính, Viện khoa học vật liệu, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, có một bằng độc quyền sáng chế và một giải pháp hữu ích, 48 bài báo công bố quốc tế, chủ trì 7 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó một đề tài cấp nhà nước, 2 cấp Bộ và 4 cấp cơ sở.