Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tới dự và đồng chủ trì Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ, cách đây không lâu, ông cùng với Tổng Giám đốc của Tập đoàn vận tải hàng đầu của Nhật Bản đã đến xin gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vì sao họ lại muốn gặp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam? Vì Nhật Bản đang không đủ các lái xe đường dài ở Nhật Bản và cả trên thế giới. Họ đang tìm đến nguồn thanh niên Việt Nam có sức khỏe, sức trẻ để làm việc này. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị họ đầu tư để làm vận tải cho ngành điện tử là một ngành rất phát triển của Việt Nam trong ngày hôm nay.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Câu chuyện thứ hai của ông là tuần trước, hai tập đoàn tài chính và công nghiệp hàng đầu Nhật Bản là Sumitomo Corporation và SBI Holdings đã quyết định hợp tác cùng FPT xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo cùng NVIDIA tại Nhật Bản để cung cấp các máy tính hiện đại nhất cho chuyển đổi trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản.
Từ hai câu chuyện trên, ông có đề xuất là: "Chúng ta đã nhìn thấy là giữa Việt Nam và Nhật Bản đang có hợp tác chặt chẽ. Cần bổ khuyết chính là nguồn nhân lực tài năng, trẻ và đầy khát vọng của Việt Nam. FPT có 4.500 nhân viên tại Nhật Bản ở 17 văn phòng từ Sapporo đến Yakushima. Song, tập đoàn không muốn hợp tác chỉ có tính chất doanh nghiệp với doanh nghiệp mà FPT rất là mong muốn làm tốt hơn nữa; rất mong muốn khuôn khổ hợp tác mở rộng liên Chính phủ và FPT trân trọng đề xuất hai Thủ tướng hỗ trợ cho chương trình hợp tác quan trọng này".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, hiện nay, T&T Group đang cùng các đối tác Nhật Bản triển khai nhiều dự án năng lượng xanh tiêu biểu. Cụ thể, về điện gió ngoài khơi, T&T và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) hợp tác nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô 1.000-3.000MW tại khu vực Vịnh Bắc Bộ với mục tiêu được chấp thuận đầu tư khoảng 1.000MW giai đoạn đến năm 2030, từ 3.000-4.000MW giai đoạn 2031-2035.
Về điện sinh khối, T&T Group và các đối tác Nhật Bản gồm: Công ty Erex, Sumitomo Forestry đang đề xuất đầu tư khoảng 10 dự án nhà máy sinh khối (tổng công suất gần 900MW) tại các địa phương có nguồn phụ phẩm nông, lâm nghiệp dồi dào, trong đó dự án điện sinh khối đầu tiên T&T đang triển khai tại An Giang dự kiến có làm hồ sơ xin hỗ trợ của cơ chế JCM. T&T Group và Erex, Sumitomo Forestry đồng thời nghiên cứu đề xuất chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang đồng đốt sinh khối để giảm dần phát thải carbon.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Nguyễn Thị Thanh Bình phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Ngoài ra, Tập đoàn T&T Group cũng đang triển khai hợp tác với 1 số đối tác Nhật Bản để triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) Sojitz, Itochu, Marubeni. Những hợp tác trên của Tập đoàn T&T với các doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và thắt chặt quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản. Có thể thấy tiềm năng hợp tác năng lượng Việt-Nhật là rất lớn. Việt Nam có nhu cầu và tài nguyên dồi dào để phát triển năng lượng tái tạo, trong khi Nhật Bản có ưu thế về công nghệ và vốn đầu tư. Sự bổ trợ này, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ hai Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên thúc đẩy nhiều dự án năng lượng sạch quy mô lớn trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Về phần mình, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cam kết mở rộng việc đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp chiến lược, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng…
Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru bày tỏ vui mừng tham dự sự kiện quan trọng này; đồng thời nêu rõ, hiện nay, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhiều tiềm năng, nguồn nhân lực trẻ và dồi dào. Ông bày tỏ ấn tượng đã được đến thăm Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), cảm nhận sự cần mẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất, kinh doanh tại đây; Nhật Bản và Việt Nam đang gắn bó chặt chẽ, hợp tác trong chuỗi cung ứng; đồng thời nêu rõ, sự bất ổn của tình hình thế giới hiện nay cũng là cơ hội hai nước tăng cường gắn bó chặt chẽ, phát triển công nghiệp công nghệ cao, tăng cường sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài. Nhật Bản sẽ chung tay cùng Việt Nam phát triển công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nhật Bản hoan nghênh Việt Nam đang tập trung cải cách, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Thủ tướng Ishiba Shigeru cho biết, hai Thủ tướng Nhật Bản và Việt Nam nhất trí nâng cấp quan hệ kinh tế song phương trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; cho biết, Nhật Bản sẽ mở chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ bán dẫn tại Trường Đại học Việt-Nhật; tiếp nhận đào tạo 250 tiến sĩ trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; thời gian tới, Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trong lĩnh vực giảm phát thải carbon; sản xuất silicon đa tinh thể để sản xuất chất bán dẫn. Các dự án năng lượng đang được 2 nước tích cực triển khai. Việt Nam là một trong các đối tác của Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) và sẽ dẫn dắt quá trình chuyển đổi năng lượng châu Á. Thủ tướng Nhật Bản tin rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước là không giới hạn; Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với Việt Nam, kể cả hợp tác công tư, mang lại lợi ích bền chặt tại Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành quá trình này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng và cảm ơn Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tham dự Diễn đàn; khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là minh chứng sinh động cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đang bước vào giai đoạn phát triển mới với sự tin cậy chiến lược, tầm nhìn dài hạn và những động lực hợp tác mới. Đây còn là không gian kết nối giữa tầm nhìn quốc gia và hành động doanh nghiệp, giữa định hướng chiến lược và giải pháp thực tiễn. Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn những tình cảm và phát biểu sâu sắc của Thủ tướng Nhật Bản, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất giữa hai nước.
Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: TRẦN HẢI)Thủ tướng hoan nghênh những chia sẻ chân thành, thực chất của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn; cho thấy rõ khát vọng hợp tác cùng kiến tạo và cùng phát triển bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản. Về quan hệ hai nước, Thủ tướng nêu rõ, qua hơn 50 năm vun đắp và xây dựng, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt-Nhật đang phát triển mạnh mẽ, thực chất, trở thành một hình mẫu quan hệ đặc biệt tốt đẹp với sự tin cậy chính trị cao, lợi ích ngày càng tương đồng, lĩnh vực hợp tác ngày càng toàn diện, lòng tin chiến lược ngày càng sâu sắc. Đặc biệt, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục phát huy vai trò trụ cột và là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước: Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp vốn ODA và hợp tác lao động lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại và du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.
Tính đến tháng 3/2025, Nhật Bản hiện có hơn 5.500 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn gần 78,6 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất, chế biến, năng lượng, công nghệ cao. Trong quý I/2025, vốn đầu tư từ Nhật tăng trên 20%, là tín hiệu tích cực cho giai đoạn hợp tác mới. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với sự phát triển của Việt Nam và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với rất nhiều thách thức như hiện nay, những lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch và kinh tế xanh là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam xác định con người là trung tâm, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, hợp tác quốc tế là đột phá. Theo đó, Việt Nam cam kết phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh-hướng tới nền kinh tế xanh, bao trùm và bền vững.
Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với tinh thần “3 thông”: “thể chế thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản trị thông minh”. Đồng thời, chủ trương tạo đột phá về thể chế với tinh thần “đi sớm, đi trước, mở đường cho phát triển”; tập trung hoàn thiện hạ tầng thông suốt với hệ thống đường bộ, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế; đổi mới tư duy quản trị thông minh theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển và huy động tối đa các nguồn lực”.
Thủ tướng nhấn mạnh, bước vào năm thứ hai của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản, hai nước chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, nhất là phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đồng hành và tăng cường hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác ODA, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm tài chính quốc tế, chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để phát huy vai trò hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược nêu trên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tin tưởng, gắn bó, hợp tác chặt chẽ, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các Dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược, công nghiệp chủ chốt, công nghệ cao. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết “3 bảo đảm” và “3 cùng” với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, “3 bảo đảm” gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; Bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; Bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; thể chế, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. “3 cùng” gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; Cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; Cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.
Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao của các nhà Lãnh đạo hai nước, với sự đồng hành của các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế với tinh thần “chân thành, tình cảm, tin cậy, cùng có lợi”, hai nước sẽ cùng nhau hiện thực hóa những định hướng chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn, mở ra một chương mới rực rỡ trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, đóng góp vào phát triển nhanh và bền vững ở khu vực và trên thế giới.
* Nhân dịp này, hai Thủ tướng chứng kiến cộng đồng doanh nghiệp hai nước trao đổi các văn bản hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn.