Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tính toàn vẹn của ASEAN

PV - 20:19, 27/10/2022

Sáng 27/10, các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã họp phiên đặc biệt tại Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 chủ trì cuộc họp. Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Vũ Hồ - quyền Trưởng SOM ASEAN dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp.

Nội dung chính của cuộc họp lần này là công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 40 - 41 và các Cấp cao liên quan tổ chức tại Campuchia đầu tháng 11/2022, tiến độ triển khai Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar và một số vấn đề cùng quan tâm khác.

Các đại biểu chia sẻ đánh giá của Chủ tịch Hội nghị rằng tình hình Myanmar còn rất phức tạp, bất ổn định kéo dài, đời sống người dân hết sức khó khăn. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã tỏ rõ trách nhiệm, đoàn kết, sẻ chia hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp khả thi, bền vững cho khủng hoảng hiện nay.

Chủ tịch ASEAN 2022 là Campuchia, và trước đó là Brunei, đã giành nhiều nỗ lực để triển khai Đồng thuận 5 điểm nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, kiểm điểm các hoạt động, các nước nhất trí với đánh giá rằng Myanmar tiếp tục là thành viên của ASEAN, Đồng thuận 5 điểm còn nguyên giá trị, ASEAN cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện Đồng thuận cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân. Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ trao đổi thêm các biện pháp cụ thể để hỗ trợ Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thay mặt Việt Nam, Đại sứ Vũ Hồ phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tính toàn vẹn của ASEAN, là kết quả đạt được trong nhiều thập kỷ phấn đấu của các nước thành viên. Đại sứ cũng khẳng định ASEAN cần duy trì các nguyên tắc của khối, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Trên cơ sở đó, tiếp cận vấn đề Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Ngoài ra, ASEAN cần là lực lượng hạt nhân, tập hợp và điều tiết các nỗ lực quốc tế hỗ trợ Myanmar trở lại bình thường.

Các nước nhất trí sẽ xây dựng danh mục các khuyến nghị trình Lãnh đạo Cấp cao ASEAN xem xét và quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 trong tháng 11 tới tại Phnom Penh, Campuchia.