Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Việc làm ý nghĩa của một dòng họ trong đại dịch

Thành An - 16:31, 12/09/2021

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dòng họ Phạm Xuân ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã đưa ra sáng kiến, hỗ trợ con em trong dòng họ đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Huy động con cháu trồng cây, xây bờ kè sát lòng sông
Dòng họ Phạm Xuân huy động con cháu trồng cây, xây bờ kè sát lòng sông

Đại tộc Phạm Xuân là dòng họ lớn ở làng Phúc Duệ, xã Liên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Đây là nơi thờ tiên tổ và hậu duệ của dòng họ Phạm Xuân, trong đó, có nhiều người có công với dân, với nước. Tiêu biểu có thủy tổ Phạm Văn Hiển, Phạm Xuân Kính... là những người có công khai cơ mở làng, được Nhân dân tôn kính, các triều đại phong kiến ban tặng nhiều sắc phong: Tước Trung Võ hầu, Khai quốc công thần, sau khi mất được con cháu và nhân dân làng Phúc Duệ “tòng tiền phụng sự”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà thờ hiện vẫn còn lưu giữ được hai đạo sắc thời vua Khải Định, long ngai, bài vị và khung nhà bằng gỗ.

Đặc biệt, trong dòng họ còn có liệt sĩ Phạm Xuân Phong (hy sinh năm 2001 khi chiến đấu với tội phạm buôn bán hàng cấm ở Kỳ Sơn, Nghệ An) đã được đặt tên cho một con đường gần sân bay Vinh.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của những bậc tiền nhân, con cháu dòng họ Phạm Xuân vẫn gìn giữ được gia đạo; tương trợ, đoàn kết xây dựng dòng họ, gia đình giàu mạnh.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Hội đồng gia tộc của dòng họ, vận động con cháu trong họ, đồng lòng góp của, góp công hỗ trợ những gia đình trong họ gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. 

Chị Phạm Thị Sinh, sinh sống tại tỉnh Bình Dương, là con cháu dòng họ Phạm Xuân rưng rưng, cho biết: Nhận được món quà hỗ trợ 1 triệu đồng của gia tộc chúng tôi rất xúc động. Đây là nguồn cội để chúng tôi luôn nhớ về tổ tiên, dòng họ, thêm động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

Một hàng cây đẹp đã được trồng xuống càng tô đẹp thêm làng quê ven sông
Một hàng cây trồng ven đường do dòng họ Phạm Xuân đóng góp

Theo danh sách hỗ trợ mà Hội đồng gia tộc cung cấp, chúng tôi càng trân trọng hơn tình cảm tương thân tương ái của một dòng họ. Tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, Hội đồng gia tộc đã quyết định các mức hỗ trợ khác nhau. Trong đó, có những gia đình mà cả hai vợ chồng cùng nhiễm Covid-19 cũng đã được hỗ trợ 4 triệu đồng một cách kịp thời. Riêng những thành viên là lao động tự do bị mất việc, lao động bị mắc kẹt ở vùng dịch… được hỗ trợ 1 triệu đồng.

Ông Phạm Xuân Tình, đại diện Hội đồng gia tộc dòng họ Phạm Xuân, cho biết: "Qua sơ bộ nắm tình hình, có những gia đình bị nhiễm Covid-19 cả nhà, có một số gia đình thất nghiệp đã 3 tháng, nguồn thu nhập không có, cực kỳ khó khăn về nhiều mặt. Mỗi món quà của dòng họ, là tấm lòng, tình cảm dành tặng cho những thành viên của dòng họ. Chúng tôi đang tiếp tục huy động con cháu đóng góp vào quỹ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của dòng họ".

Là một trong những họ lớn ở làng Phúc Duệ, đại tộc Phạm Xuân đã luôn đi đầu trong các phong trào khuyến học, làm sạch đẹp làng quê, hỗ trợ các thành viên trong dòng họ gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Đơn cử như, trong dòng họ có gia đình ông Phạm Xuân Thế và bà Nguyễn Thị Sâm có hoàn cảnh rất khó khăn, hai cha con bị bệnh tâm thần, gia tộc Phạm Xuân đã kết nối, kêu gọi mọi người hỗ trợ hơn 100 triệu đồng giúp gia đình ông Phạm Xuân Thế xây dựng nhà mới.

Ngoài ra, dòng họ còn vận động con cháu góp của, góp công trồng cây xanh; đồng thời xây dựng kè bờ sông Vũ Giang; Nhiều năm qua, các thành viên còn tích cực tham gia đóng góp quỹ khuyến học khuyến tài để hằng năm, vào ngày rằm tháng giêng, tổ chức khen thưởng con cháu trong dòng họ có thành tích học tập tốt, với số tiền thưởng đến nay lên tới hàng trăm triệu đồng...

Với việc làm ý nghĩa và thiết thực của dòng họ Phạm Xuân đã tô thắm thêm tình làng nghĩa xóm, tình anh em trong dòng tộc, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sự sẻ chia, đoàn kết càng được nhân lên, lan tỏa.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...