Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Việc không thành khi lòng dân chưa tỏ

PV - 14:22, 27/11/2018

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, việc thực hiện quy chế dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã phát huy hiệu quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, có lúc, có nơi việc thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Khi lòng dân chưa thông, việc triển khai chưa hợp lòng dân thì cần phải được điều chỉnh trong thực tiễn. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã gặp gỡ, trao đổi với một số bà con xung quanh vấn đề này.

1

Ông Hồ Văn Niên, thôn Vực Long, xã Tà Rụt, huyện Đak krông, tỉnh Quảng Trị: Cấp phát cây, con giống cho dân phải đảm bảo chất lượng

Nhân dân cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo. Tại địa phương những hộ neo đơn, không nơi nương tựa, hộ nghèo đều rất được quan tâm. Việc xóa nhà tạm cho người dân đều có định hướng, kế hoạch và được bà con đồng tình ủng hộ. Người dân phấn khởi lắm. Để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hằng năm, bà con được cấp giống cây trồng, vật nuôi. Đây là chính sách nhân văn, tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, vẫn có những hộ không hài lòng về chất lượng cây, con giống. Có gia đình được cấp bò, dê nhưng các con giống bị bệnh, nuôi một thời gian, con giống chết hết. Mong muốn của người dân là việc hỗ trợ, cấp phát cây, con giống để nuôi, trồng phải đảm bảo chất lượng.

2

Ông Vi Xuân Toong, thôn Làng Thượng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn: Dân phải được bàn, phải được kiểm tra

Năm 2018 gia đình tôi được cấp 3.000 cây keo giống để cải thiện kinh tế gia đình. Các hộ trong thôn đăng ký lấy cây keo hạt, cuối cùng lại được cấp keo hom. Cây keo hom dễ bị mối ăn, bán không được giá vì chỉ làm được nguyên liệu giấy, không như cây keo hạt dùng để đóng đồ và làm nhiều thứ được. Giá cây tại trại giống là 500 đồng/cây, mang về tới các hộ dân là 1.000 đồng/cây. Làm thì vất vả, gánh lên trên đồi 6-7 cây số để trồng mà không hiệu quả. Hợp đồng là cho dân lên trại giống để lấy, phải được xem, nhất trí thì mới chở về. Cuối cùng, chúng tôi không được bàn, không được kiểm tra nên dân chúng tôi không hài lòng.

Bà Vi Thị Thanh, thôn 2, xã Đăk R’Măng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông: Nhà nước cho không, không dùng cũng lấy để đấy

3.3

Bà Vi Thị Thanh, thôn 2, xã Đăk R’Măng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông: Nhà nước cho không, không dùng cũng lấy để đấy

Mỗi năm, chúng tôi đều được thông báo lên nhận cây trồng, con giống về để phát triển kinh tế. Mà cứ đến ngày lên nhận mới biết nhận cây gì con gì, do không được bàn bạc trước. Có gia đình lên nhận cây, thì không có đất mà trồng. Nhận về để không ngoài sân, ngoài bãi nên héo, cây chết hết. Có gia đình lên nhận con giống, thì không có chuồng trại để nuôi, lại mang đi bán hoặc giết ăn thịt. Nhà nước cho không tội gì mà không lấy. Có lần chúng tôi được nhận cây bơ, hợp đất canh tác. Cán bộ nói là bơ sáp nhưng đến lúc trồng, rồi thu hoạch lại là bơ nước, chất lượng quả rất kém, bán chẳng ai mua. Trước kia, việc vay tiền để xây nhà thì phải làm nhà theo đúng khuôn mẫu thì Nhà nước mới cho vay, trong khi chúng tôi lại có rất nhiều dân tộc khác nhau sinh sống ở đây, nếu xây nhà như thế sẽ mất đi truyền thống của dân tộc, mà không làm theo mẫu thì không được vay tiền xây nhà.

4

Bà Hạng Thị Xa, thôn Giang Tra, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai: Con dê bệnh mà cán bộ nói dê chửa

Theo Chương trình vay vốn mua con giống, có hộ dân trong thôn được nhận dê. Con dê nó bị đau bụng, cán bộ lại nói là nó đang chửa, mang 1 con dê con bên trong. Mỗi con dê 12 triệu đồng, mà về gia đình nuôi được mấy hôm thì dê phình bụng to lên xong ốm, gầy, rồi chết. Có lần 7 hộ dân trong thôn tôi được nhận gà, dân đã có ý kiến cho chúng tôi tiền để tự mua gà, mua lợn về chăn nuôi, gà ta gà bản, dễ nuôi. Cán bộ lấy gà ở đâu về những con gà bé xíu, mang đàn gà mới về nhập đàn được mấy hôm, gà thi nhau ốm, chết, lây cả sang đàn gà ở nhà đang nuôi. Đến nay, hơn 1 năm rồi chẳng còn nhà nào có gà cả.

NGHĨA HIỆP - THANH HUYỀN