Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vị già làng, Người có uy tín và đa tài dưới chân núi Lang Biang

Văn Yên - 06:35, 05/11/2023

Không chỉ là già làng, Người có uy tín được người dân tin tưởng, kính trọng, ông Krajan Plin (62 tuổi) còn là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia... Những tác phẩm của ông đã truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần gìn giữ và bảo tồn phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của người Cơ Ho.

Già làng Plin bên những chiếc ché do ông sưu tầm.
Già làng Plin bên những chiếc ché do ông sưu tầm.

Già làng thời hiện đại

Đến gặp ông Krajan Plin tại nhà riêng của ông ở buôn Đăng Ja, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi như được truyền năng lượng tích cực khi nói chuyện với vị già làng có thân hình chắc nịch, da ngăm đen, mái tóc xoăn, đi đứng, làm việc nhanh nhẹn, đặc biệt, ông sử dụng mạng xã hội và máy tính rất thành thạo.

Trong câu chuyện, chúng tôi hỏi vui, bí quyết nào để già làng ngoài 60 tuổi mà vẫn còn trẻ, khỏe như thế, Krajan Plin cười nói: “Già làng không nhất thiết là phải già, mà là Người có uy tín có tầm ảnh hưởng lớn và am hiểu các phong tục tập quán của buôn làng để lưu giữ và truyền dạy lại cho con cháu mai sau”.

Cũng theo già làng Krajan Plin cho biết, ông được bà con tín nhiệm bầu làm già làng đến nay đã được 23 năm, những năm qua, ông đã cùng chính quyền địa phương vận động bà con trong buôn làng đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, chuyển từ trồng lúa nước sang trồng cà phê rồi đến trồng rau, trồng hoa công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới để phát triển kinh tế gia đình, cùng với đó là tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu từ thách cưới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Krajan Plin ngắm những bức ảnh ông chụp về vị già làng trước đó.
Krajan Plin ngắm những bức ảnh ông chụp về vị già làng trước đó.

Hiện nay, gia đình già làng Krajan Plin còn kinh doanh nhà hàng mang tên “Bon Langbiang Village”, nằm tại thị trấn Lạc Dương để phục vụ thực khách những món ăn dân dã của đồng bào như: rau rừng, cá suối, trâu gác bếp, cà đắng, măng rừng... Đây còn là nơi biểu diễn cồng chiêng mỗi dịp lễ lớn hoặc khách có nhu cầu. Nhà hàng này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân là đồng bào DTTS quanh vùng.

Vừa nhâm nhi ly cà phê, ông kể tiếp, năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y tế tỉnh Lâm Đồng, y sĩ Krajan Plin nhận công tác tại Trạm Y tế xã vùng sâu Đam Rông (nay là Phòng khám Đa khoa khu vực Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), nơi đây chàng thanh niên này đã tận tình khám, chữa bệnh cho bà con dân tộc, tuyên truyền giúp người dân ăn ở vệ sinh để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, vì vậy Plin được bà con yêu mến.

Nghệ sĩ đa tài

Sau gần 10 năm công tác, ông đã quyết định nghỉ việc và xin vào làm tại ngành Điện lực, nhận thấy công việc không phù hợp, một lần nữa, ông xin nghỉ rồi tham gia vào Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng, được đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành, kể cả nước ngoài, nhờ đó, ông có cơ hội tiếp cận, học hỏi được kinh nghiệm của những bậc đàn anh đi trước.

Khi về lại buôn làng, năm 1995, già làng Krajan Plin tự lập Ban nhạc và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Những người bạn Langbiang” đây là Ban nhạc đầu tiên của huyện Lạc Dương chuyên biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Để Ban nhạc có dấu ấn riêng, dù chưa qua trường lớp đào tạo nhưng Krajan Plin đã tìm tòi tự viết lời, soạn nhạc và trình bày bằng 2 thứ tiếng Kinh và Cơ Ho.

Đội Văn nghệ của Plin trong lần biểu diễn ở nước ngoài
Đội Văn nghệ của Plin trong lần biểu diễn ở nước ngoài

Dần dà nhiều sáng tác của ông đã được các ca sĩ chuyên nghiệp như; Siu Black, Bonner Trinh, Cil Pơi… biểu diễn rất thành công. “Trong đó, Bonner Trinh (người của buôn làng) đã chọn ca khúc Lang Bian S’ning (Nghĩ về Langbiang) do tôi sáng tác đi thi chương trình Tiếng hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 2002 và đạt giải Nhất hoặc thời ca sĩ Krajan Sik, người Lạch ở xã Lát, huyện Lạc Dương đã từng giành Huy chương Vàng trong Cuộc thi dân ca toàn quốc năm 2005”, già làng Plin tự hào nói.

Nói về cơ duyên đến với âm nhạc, Plin chia sẻ, gia đình ông có truyền thống yêu âm nhạc, bố mẹ đều là những nghệ nhân hát dân ca, được chứng kiến bố mẹ ca hát, những âm thanh vang vọng, tiếng nhạc du dương len lỏi vào tâm hồn ông lúc nào không hay, “máu” nghệ sĩ trong ông bắt đầu nổi dậy từ đó.

Già làng Plin bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1990, đến nay ông đã có hàng trăm ca khúc, trong đó nhiều ca khúc được đăng tải trên nền tảng Youtube như bài; “K’bing ơi”, “Giữ ấm bếp hồng”, “Gọi em’... nhận được nhiều sự quan tâm, đón nhận của khán giả mọi miền đất nước. 

Ngoài sáng tác nhạc, làm thơ, già làng Krajan Plin còn biết chơi rất nhiều nhạc cụ truyền thống, hiện đại, ông là một nghệ nhân tạc tượng dân gian và cũng là người chỉnh chiêng có tiếng trong huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Từ khi được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, điều mà Krajan Plin đau đáu nhất ấy là làm sao lưu giữ được bản sắc văn hóa, truyền thông dân tộc mình, suốt nhiều năm qua ông đã miệt mài bôn ba khắp buôn làng các tỉnh Nam Tây Nguyên chụp ảnh, sưu tầm, làm thơ... nghiên cứu văn hóa của đồng bào DTTS.

Tại không gian trưng bày sách, già làng giới thiệu rất nhiều cuốn sách về sử thi, ca dao, tục ngữ Việt Nam, những tập thơ do ông sáng tác. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là cuốn Luật tục của người Cơ Ho với 50 chương, 1.000 điều.

Một trong số những tập thơ mà ông sáng tác
Một số tác phẩm của Krajan Plin

Nội dung cuốn Luật tục này là những điều răn dạy giáo dục, phép tắc, kinh nghiệm ứng xử, phân biệt thiện ác, khích lệ, động viên, khen thưởng, xử phạt… của tổ tiên người Cơ Ho được ông diễn tả bằng thơ rất dễ đọc, dễ nhớ.

Theo già làng Plin, để có được những câu luật tục hoàn chỉnh, ông đã vất vả sưu tầm, đến nhà các già làng người Cơ Ho để ghi chép và biên tập, vì là văn vần thổ ngữ nên công tác dịch thuật gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, trong ngôi nhà của Krajan Plin vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn với đời sống đồng bào dân tộc Cơ Ho do ông sưu tầm, những bức ảnh quý về những vị già làng trước đó cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền ghi nhận những đóng góp của ông.

Đây là phần thưởng mà Plin xứng đáng nhận được, đồng thời là niềm tự hào và khích lệ con cháu trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.