Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vào “thủ phủ” điện gió: Kỳ vọng từ nguồn năng lượng tái tạo (Bài 1)

Thanh Hải – Khánh Ngân - 10:13, 20/04/2021

Quảng Trị là một trong những tỉnh nghèo; cái nghèo khó hiển hiện trong từng đợt gió Lào bỏng rát. Gió Lào là "đặc sản' của Quảng Trị; ít ai nghĩ nơi đây có thể làm giàu từ “đặc sản" này. Nhưng đó là sự thật, khi hàng chục dự án điện gió đã về Quảng Trị, rồi hình thành nên những cánh đồng điện gió mỗi năm thu về nhiều trăm tỉ đồng… Quảng Trị đang phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung.

Những trụ điện gió ở Hướng Hóa ngày một nhiều lên
Những trụ điện gió ở Hướng Hóa ngày một nhiều lên

Làm giàu từ… “đặc sản nghèo”!

Cách đây chừng 10 năm, UBND tỉnh Quảng Trị đã cho phép, một số đơn vị lắp đặt trạm đo gió tại huyện vùng cao Hướng Hóa, với kết quả khả quan khi xác định vận tốc gió trung bình năm từ 6 - 7 m/s và hầu như gió thổi quanh năm. Quảng Trị cũng trở thành một trong rất ít địa phương ở khu vực miền Trung, được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030 vào năm 2015. 

Và rồi, kể từ khi dự án điện gió đầu tiên là Hướng Linh 2, ở xã Hướng Linh khởi động vào năm 2015 (công suất 30MW, tổng kinh phí 1.420 tỉ đồng, đóng điện năm 2017), đến nay, huyện vùng cao này đã có hàng chục dự án điện gió được phê duyệt. Con số mới nhất mà chúng tôi có được tại sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Trị, là đã có tới 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất hơn 1.177 MW, nguồn vốn đầu tư lên đến vài ngàn tỉ đồng cho mỗi dự án.

Chạy trên cung đường 9, hai bên đường là hàng chục trụ điện gió đã và đang xây dựng. Cả Hướng Hóa giờ như trở thành một đại công trường, với hàng chục dự án điện gió đang thi công. Kéo theo đó, hàng ngàn công nhân, kĩ sư, chuyên gia cũng đã về Hướng Hóa.

Nhìn vào đó đủ thấy, các dự án điện gió ở vùng đất gió Lào này phát triển như thế nào. Theo sau đó, là cả một kỳ vọng lớn của lãnh đạo địa phương về việc tăng thu ngân sách cho tỉnh nghèo. Theo tìm hiểu, mỗi cột điện gió có thể đạt công suất chừng 4MW, tương đương với công suất một thủy điện nhỏ hiện nay. 

Lãnh đạo ở các sở ngành tỉnh Quảng Trị tính nhẩm rằng, mỗi cột thu gió nộp về cho tỉnh trên dưới 3 tỉ đồng mỗi năm. Mỗi dự án điện gió có hàng chục cột và cả tỉnh có đến 31 dự án… Một con số trong mơ trong hoàn cảnh thực tế thu ngân sách đạt thấp. Chỉ tính thu ngân sách năm 2020, Quảng Trị đạt hơn 3.500 tỉ đồng.

Những nhà máy điện gió đang được thi công
Những nhà máy điện gió đang được thi công

Ước mơ làm giàu từ điện gió của Quảng Trị là có cơ sở, có tiềm năng và đã được Chính phủ chấp thuận quy hoạch. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho biết, địa phương đang nỗ lực biến những bất lợi thành có lợi. Những chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, đã được ban hành với mục đích ưu tiên năng lượng tái tạo, như điện gió.Tỉnh đã rất nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái định cư... còn nhà đầu tư cũng làm thật, làm đúng cam kết.

Cánh đồng gió… bạc tỉ

Ở Quảng Trị, nhiều người đã ví Hướng Hóa là cánh đồng gió… bạc tỉ. Điều ấy hoàn toàn đúng, khi mà nơi đây đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng tái tạo như Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATi, Tân Hoàn Cầu, Gilex…

Tại vùng đất này, đã có hơn một nửa số xã có nhà đầu tư điện gió đến thực hiện dự án như: Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Thành, Tân Liên… Riêng xã Hướng Linh có tới hơn 10 dự án. Nếu tính cả những dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch, thì điện gió gần như phủ kín cả vùng núi non này.

Được biết, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu, là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư làm điện gió ở Quảng Trị. Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2, ở xã Hướng Linh do Công ty này thực hiện, được xem là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa tiềm năng về năng lượng sạch nơi đây.

Cuối năm 2019, Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 có công nghệ, công suất và kinh phí đầu tư tương đương, cũng được doanh nghiệp này vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện nhà đầu tư này đang gấp rút triển khai thực hiện các dự án điện gió Hướng Linh 3, Hướng Linh 4, Hướng Hiệp 1 có cùng công suất 30MW…

Để có một nhà máy điện gió mọc lên là rất nhiều diện tích rừng bị cạo trọc
Để có một nhà máy điện gió mọc lên là rất nhiều diện tích rừng bị cạo trọc

Trước đó, năm 2015, Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có 4 dự án với tổng công suất 110MW. Nhưng để khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch 84 dự án điện gió, với tổng công suất trên 4.030MW, trong đó 31 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất trên 1.177MW; 53 dự án với tổng công suất trên 2.853MW đã trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch.

Trong 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, hiện có 2 dự án với công suất 60MW đã hoạt động; 25 dự án với công suất 987,2MW đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai thi công.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: Sau phê duyệt quy hoạch, Chính phủ đã xác định, Quảng Trị sẽ là một trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung. Không chỉ ở Hướng Hóa mà huyện Đakrông cũng được xác định, là địa bàn tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo.

Trong một tương lai không xa, khi những dự án điện gió hoàn thành và đưa vào vận hành, sẽ hình thành nên những cánh đồng điện gió… mỗi năm thu về nhiều tỉ đồng. Quảng Trị đang nắm chắc trong tay viễn cảnh tươi sáng ấy.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chắc chắn rằng, có không ít những hệ lụy....