Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Văn hóa đá” trên Cao nguyên đá Đồng Văn

PV - 10:03, 16/10/2018

Tôi từng nghe nhiều người sinh ra và sống trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐ-ĐV) nói, mỗi sáng dậy mở mắt ra, thấy trước mắt là núi đá, sau lưng là núi đá, bốn bề đều là đá, đá vây quanh lấy con người và cuộc sống nơi đây. Chỉ cần chúng ta ngồi trên xe ô tô, chạy dọc theo con đường Hạnh Phúc xuyên qua CNĐ là có thể thấy nơi đây bốn bề là đá. Còn nếu chúng ta đi theo cách mà các bạn trẻ bây giờ hay đi, người ta thường gọi là “phượt” vào các làng bản, hòa vào cuộc sống nơi đây, ta sẽ cảm nhận thấy có một “văn hóa đá” đang tồn tại.

Cao nguyên đá Cuộc sống của đồng bào Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn luôn gắn liền với đá.

Qua 4 mùa trên CNĐ-ĐV, ta có thể cảm nhận cuộc sống đầy sắc màu, sôi động của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Cuộc sống quá đặc biệt nơi đây đã sinh ra những nếp sinh hoạt mà cái gì cũng có… đá. Đầu tiên, có thể thấy đá ở các làng bản trên CNĐ-ĐV chính là một người bạn của con người nơi đây. Con người sinh sống ở nơi đây đã thích nghi với đá và chính đá giúp con người thích nghi, tồn tại giữa cuộc sống đầy khắc nghiệt và hình thành một thế ứng xử với đá. Bước chân vào mỗi nhà, điều đầu tiên chúng ta bắt gặp thường là bờ rào đá. Đá lù lì, sắc nhọn, khó tính là vậy, nhưng chiều theo ý con người, đá quây lại thành bờ rào rất hiền lành, nhưng lại là điểm tựa, khẳng định sự sinh cơ bền chặt với đá. Con người nơi đây sinh ra, lớn lên và khi giã từ cuộc sống thì vẫn bên đá.

Giữa cuộc sống, đá trở thành nhiều công cụ bình dị như cối xay, cối giã, chân kê cột nhà, làm móng nhà, nền nhà, sân nhà. Trên bậc thềm nhiều ngôi nhà, đá được kê thành bậc thang thể hiện gia đình rất nền nếp, gia phong… Đặc biệt, đá ở CNĐ-ĐV không phân biệt nhà giàu, nhà nghèo. Có thể thấy ngay, ở Dinh thự Sà Phìn ở Đồng Văn, ngôi nhà của một gia đình có tiếng như họ Vương ngày trước với lối kiến trúc gắn chặt với đá. Đá được bố trí, sắp xếp, tạo hình giúp cho nó mềm mại, thể hiện sự trường tồn của kiến trúc nhà Vương.

Bước ra khỏi mỗi ngôi nhà, chân đặt lên những nương đá là nơi chủ đạo để sản sinh ra sự trường tồn trên đá. Dường như chính những nương đá mới là nơi sản sinh ra “văn hóa đá” trên vùng CNĐ-ĐV. Văn hóa nào cũng vậy, đều có nguồn gốc từ lao động mà ra cả. Hoạt động lao động sản xuất trên vùng đá là khởi nguồn cho việc sinh ra các sinh hoạt văn hóa gắn chặt với đá, mang màu sắc đá khá riêng biệt của CNĐ-ĐV. Ở CNĐ-ĐV, chúng ta có cả một lối canh tác trên đá mà bây giờ, cái độc đáo nhất mà người ta hay gọi đó là “thổ canh hốc đá”. Làm nương trên đá, dụng cụ lao động cũng phải thật đặc biệt, được rèn đúc bởi những người thợ tài hoa để có một thứ kim loại khác biệt. Bao đời, những nương đá dần được con người chinh phục, để tạo nên một trong những nơi canh tác khó khăn nhất trên thế giới ở CNĐ-ĐV.

Nếu những hốc đá thiếu đất, người ta lại gùi từng gùi đất để đổ vào. Trên những mảnh nương nhiều đá lởm chởm, người ta nhặt dần từng viên đá xếp thành đống để lấy đất canh tác. Những nơi có độ dốc, người ta xếp đá thành từng bậc thang để giữ đất làm nương. Mùa gieo trồng, nơi đây có những hình ảnh “độc”-cày trên nương đá. Nghe nói, con bò ở CNĐ-ĐV cũng là “bậc thầy” sống, thích nghi trên đá, khi cày nương, nghe và cảm thấy chiếc cày vướng phải đá, nó tự biết dừng lại, không cày làm gì cho tốn sức.

Sống trên đá, có lẽ đã sinh ra những tính cách của con người cũng khá nhẫn nại, kiên trì. Tính cách con người trên vùng đá được thể hiện bằng cả một thế ứng xử với đá. Ở những làng bản trên CNĐ-ĐV, không phải không có những người đàn ông, thanh niên to, khỏe lực lưỡng, nhưng chẳng thấy ai khoe thân hình và sự khỏe mạnh trước đá. Ở đây, chỉ có sự điềm đạm, người ta túc tắc đi, túc tắc làm…, để cho cái sức dẻo dai thắng được cái cương cứng của đá, cái mềm mại của bàn chân không bị đâm thủng bởi đá nhọn tai mèo. Hãy nhìn vào điệu vung tay của những người phụ nữ dộn dàng bước chân xuống chợ, bước chân lướt nhẹ trên đá như bay, dường như đá cứng, dốc cao chẳng phải đang ở dưới chân họ sao!.

Trên điểm đầu Tổ quốc, Cột cờ Lũng Cú đứng thẳng, hiên ngang giữa điệp trùng đá. Từng dãy núi đá, thung lũng đá nuôi bao người khôn lớn, bảo vệ, chở che từng làng bản và trở thành phên dậu phía Bắc Tổ quốc. CNĐ-ĐV đã chở thành di sản thế giới giữa cuộc sống bình dị. “Văn hóa đá” cũng là một điều bình dị, nhưng chỉ có ở CNĐ-ĐV.

HUY TOÁN