Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vai trò của các vận động viên người dân tộc thiểu số

PV - 14:45, 28/07/2021

Trong những năm gần đây, các vận động viên (VĐV) người dân tộc thiểu số (DTTS) liên tục thi đấu thành công và mang về những tấm huy chương cao quý cho Thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế, các đại hội lớn của khu vực và châu lục. Điều này cho thấy các VĐV người DTTS ngày càng có vai trò không hề nhỏ trong việc phát triển thể thao thành tích cao nước nhà.

Cô gái người Tày - Lộc Thị Đào (giữa) và nữ cung thủ người Mường Nguyễn Thị Phương (bìa trái) từng giành nhiều thành tích cao cho bắn cung Việt Nam
Cô gái người Tày - Lộc Thị Đào (giữa) và nữ cung thủ người Mường Nguyễn Thị Phương (bìa trái) từng giành nhiều thành tích cao cho bắn cung Việt Nam

Đoàn Thể thao Việt Nam với 18 VĐV (17 suất) đang tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. Trong số 18 VĐV này có đến 4 VĐV là người DTTS, gồm: Thạch Kim Tuấn (dân tộc Khmer), Hoàng Thị Duyên (dân tộc Giáy) ở môn cử tạ, Quách Thị Lan (dân tộc Mường) ở môn điền kinh và Lường Thị Thảo (dân tộc Thái) ở môn Rowing. Đây cũng là kỳ Thế vận hội mà Thể thao Việt Nam có số lượng vận động viên người dân tộc thiểu số (VĐV người DTTS) góp mặt nhiều nhất từ trước đến nay. Đáng lẽ ra con số này là 5 nếu trong phút cuối, cử tạ Việt Nam không mất đi 1 suất nữ của đô cử Vương Thị Huyền (người Thái).

Việc được tham dự Olympic là vinh dự lớn cho các VĐV Việt Nam và với các VĐV người DTTS, vinh dự này còn lớn hơn. Năm nay, thể thao người DTTS có 4 VĐV dự Olympic, trước đó ở Thế vận hội 2016, con số này là 2 (Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền). Ở đại hội gần nhất mà Thể thao Việt Nam tham dự là SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, đã có rất nhiều VĐV người DTTS giành Huy chương vàng (HCV) ở các nội dung cá nhân và tập thể, trong đó có Quách Thị Lan, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên, (riêng Thạch Kim Tuấn giành HCB ở hạng cân 61kg nam), bên cạnh đó là: Trương Thị Phương Nguyên (dân tộc Sán Dìu, môn Canoeing), Đinh Thị Như Quỳnh (dân tộc Mường, xe đạp), Lê Tú Chinh (dân tộc Hoa, điền kinh), Quách Công Lịch (dân tộc Mường, điền kinh), Chương Thị Kiều (dân tộc Khmer, bóng đá nữ), Hà Đức Chinh (dân tộc Mường, bóng đá nam), Lộc Thị Đào (dân tộc Tày, bắn cung) hay Nguyễn Thị Phương (dân tộc Mường, bắn cung). Trước đó tại Đại hội thể thao châu Á (Asiad) 2018 ở Indonesia, các VĐV người DTTS đã giành 2 HCV, góp công lớn vào thành tích giành 5 HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam. Cụ thể, đó là tấm HCV của Quách Thị Lan ở đường chạy 400m vượt rào (ban đầu Lan chỉ giành HCB nhưng sau đó VĐV Oluwakemi Adekoya người Bahrain bị tước HCV do án phạt dính chất cấm và Lan được đôn lên nhận HCV) cùng tấm HCV của Lường Thị Thảo tại nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ ở môn Rowing. Bên cạnh đó, Quách Thị Lan cũng giành thêm 1 HCĐ ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ, còn Thạch Kim Tuấn đoạt 1 HCB ở hạng cân 61kg nam.

Hai anh em người Mường xứ Thanh là Quách Công Lịch và Quách Thị Lan đang là những trụ cột của tuyển điền kinh Việt Nam
Hai anh em người Mường xứ Thanh là Quách Công Lịch và Quách Thị Lan đang là những trụ cột của tuyển điền kinh Việt Nam

Không chỉ đóng góp số lượng đáng kể các thành viên tham dự cũng như những tấm huy chương cho Thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế, các đại hội thể thao mà các VĐV người DTTS còn đóng vai trò quan trọng trong việc phấn đấu giành thành tích cao ở các bộ môn của mình tại các sân chơi thể thao trong nước và quốc tế thời gian tới. Như ở môn điền kinh, anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan đang là những VĐV hàng đầu ở nội dung 400m, 400m vượt rào và các nội dung tiếp sức, trong khi Lê Tú Chinh là chân chạy số 1 ở các cự ly 100m và 200m; môn cử tạ, bộ ba Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền đều là những đô cử hàng đầu ở các hạng cân của mình và có khả năng tranh chấp huy chương ở các giải đấu châu lục và thế giới; môn bóng đá, Chương Thị Kiều đang là linh hồn nơi hàng phòng ngự của tuyển nữ Việt Nam, còn Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Bùi Tiến Dũng (đều là người Mường) từng là những trụ cột cùng đội U23 Việt Nam làm nên chiến tích Thường Châu cách đây 3 năm để mở ra “kỷ nguyên vàng” cho bóng đá Việt Nam, hiện tại Hà Đức Chinh và Bùi Tiến Dụng đang là những cầu thủ không thể thiếu tại đội bóng SHB Đà Nẵng; Lộc Thị Đào và Nguyễn Thị Phương đều là những niềm hi vọng hàng đầu trong việc giành huy chương của bắn cung Việt Nam tại các giải quốc tế; ở môn Rowing, Lường Thị Thảo có thể thi đấu nội dung thuyền 4 người lẫn thuyền 2 người (đây cũng là nội dung mà Thảo cùng đồng đội Đinh Thị Hảo tranh tài tại Olympic Tokyo 2020); môn xe đạp địa hình, Đinh Thị Như Quỳnh là một trong những cua-rơ hàng đầu, tượng tự ở môn Canoeing, Trương Thị Phương Nguyên cũng đang là trụ cột; riêng ở môn bóng chuyền nữ, cô gái người Khmer - Nguyễn Thị Bích Tuyền được xem “của hiếm” và là tương lai của tuyển nữ quốc gia.

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất nhiều đến việc tập luyện và thi đấu của các VĐV Việt Nam nói chung và các VĐV người DTTS nói riêng. Nhưng với sự kiên định, nỗ lực, không bỏ cuộc, hy vọng các VĐV người DTTS sẽ tiếp tục vượt khó để bước qua giai đoạn đầy thử thách này, tiếp tục giữ vững phong độ và đam mê để cống hiến cho thể thao nước nhà. /.