Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vai trò của Bí thư chi bộ với việc hình thành khu dân cư kiểu mẫu trên miền biên viễn

Thanh Minh - CTV - 09:09, 02/11/2022

Từ một thôn biên giới khó khăn, cách trở nhưng Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã “lột xác” thành khu dân cư kiểu mẫu. Thành công ấy có sự đồng thuận, đóng góp của sức dân; sự năng động, quả quyết của người Bí thư Chi bộ Ngô Văn Sơn.


Bí thư chi bộ Ngô Văn Sơn được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm hơn 10 năm nay
Bí thư chi bộ Ngô Văn Sơn được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm hơn 10 năm nay

Phát triển kinh tế hộ là trọng tâm

Ông Ngô Văn Sơn được Nhân dân tin tưởng và đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm đã hơn 10 năm nay.

Thôn Phú Lâm nhìn từ trên cao
Thôn Phú Lâm nhìn từ trên cao

Là Bí thư ở địa bàn biên giới cách trở, đường sá lại khó khăn… ông Sơn hiểu hơn ai hết nội lực của vùng đất trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM). Muốn xây dựng NTM thành công, chỉ bằng sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành là chưa đủ, mà phải bằng chính nội lực của người dân địa phương thì mới có kết quả. Trăn trở với điều ấy cũng là nỗi băn khoăn, day dứt của ông Sơn về việc làm sao nâng cao đời sống, phát triển kinh tế ở vùng đất biên viễn này.

Ông Sơn bộc bạch: Nghị quyết của Chi bộ đầu mỗi nhiệm kì, chủ yếu là những nội dung trọng tâm về phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn. Tận dụng ưu thế đất rừng, đất đồi để phát triển kinh tế hộ gia đình một cách bền vững. Cuộc sống người dân có khấm khá thì mới mong đạt được tiêu chí này, tiêu chí khác. Và đó là điều chắc chắn nhất.

Ông Sơn luôn trăn trở với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân
Ông Sơn luôn trăn trở với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân

Để người dân tin tưởng, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm và các đồng chí đảng viên trong chi bộ đã tiên phong nhận đất trồng rừng, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; tận dụng vườn rừng để chăn nuôi lợn, gà, bò, ong mật… với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Ông Sơn hào hứng: Tôi đã có trong tay hơn 10ha rừng trồng keo nguyên liệu, 200 cây bưởi Phúc Trạch, 50 con trâu, bò, hàng trăm con gà…, với thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả, mọi người cùng làm theo, nên đời sống bà con trong thôn cũng ngày càng khấm khá hơn.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Gia - đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ người dân làm nông thôn mới
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Gia - đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ người dân sản xuất

Thôn Phú Lâm cách trung tâm huyện Hương Khê những 30km đường rừng cheo leo, quanh co, hun hút. Nhiều đoạn đường từ trung tâm xã vào đến thôn đã bị sạt lở, hư hỏng nặng khiến cho Phú Lâm như thêm cách biệt với thế giới bên ngoài. Còn đời sống người dân, một thời đói kém. Những năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm đến 50%.

Từ ngày được bầu làm Bí thư Chi bộ, ông Sơn luôn trăn trở tìm cách cải thiện đời sống người dân với suy nghĩ: có cuộc sống khấm khá mới xây dựng nông thôn mới bền vững. Miệng nói, tay làm. Những Đảng viên ở Phú Lâm đã đi đầu, dậy trước.

Về Phú Lâm hôm nay, so với mươi năm trước đã quá nhiều đổi mới. Toàn thôn đã có 6 mô hình nuôi lợn rừng với hơn 120 con. Tổng đàn trâu, bò hơn 420 con. Nhiều gia đình trồng rừng keo, bưởi Phúc Trạch, cam các loại đã bắt đầu đến tuổi thu hoạch. Với lợi thế gần thác Vũ Môn – nơi có nhiều đoàn khách tham quan, người dân trong thôn đã tìm cách tiếp cận để quảng bá và bán nông sản. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của bà con khá thuận lợi.

Dấu ấn rõ nét ở Phú Lâm hiện nay, là thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 36 triệu đồng/năm; nhiều hộ đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Công trình văn hóa ở thôn đã khang trang hơn
Công trình văn hóa ở thôn đã khang trang hơn

Tín chấp mượn tiền để xây dựng NTM

Cùng với việc phát triển kinh tế hộ gia đình, Chi bộ thôn Phú Lâm với người đầu tàu là ông Ngô Văn Sơn đã có một “chiến lược” xây dựng NTM rất bài bản. Với những phần việc dễ, trong khả năng có thể thì chi bộ chỉ đạo Nhân dân làm trước và làm từng bước một theo lộ trình cụ thể, không để công việc năm trước bị dồn sang năm sau. 

Chẳng hạn, khi người dân chưa có điều kiện và chủ yếu đang vườn tạp, thì vận động bà con hiến đất mở đường, trồng hàng rào xanh… đến khi người dân có thu nhập, mới vận động xây dựng đường bê tông kiên cố.

Trong câu chuyện xây dựng NTM ở Phú Lâm, Trưởng thôn Ngô Xuân Kim đã rất nhiều lần nhắc về những khó khăn của vùng đất biên giới: Toàn thôn trải dài hơn 7km, chia cắt thành 5 vùng (là 5 tổ liên gia) bởi rừng núi, khe suối. Do dân cư sống thưa thớt, nên để đóng góp thì phải bỏ nhiều công sức và tiền của hơn nơi khác. Chưa kể xa trung tâm, kinh phí vận chuyển cũng tốn kém hơn.

Vẫn là phương pháp “đảng viên đi trước”, Chi bộ thôn Phú Lâm đã phân công đảng viên của từng tổ liên gia trực tiếp làm gương, xây dựng mô hình điểm và vận động, hướng dẫn người dân. Mỗi tổ liên gia chủ động tổ chức các đoàn đi học hỏi, tham quan ở các khu dân cư mẫu khác trong và ngoài xã. 

Các tổ liên gia cũng phát động tinh thần trách nhiệm cao của mỗi thành viên, ai có cơ hội đến các khu dân cư mẫu khác thì tranh thủ quay phim, chụp ảnh để chia sẻ cho mọi người trong các buổi họp thôn. Thấy được cái đẹp, cái đúng, bà con ai cũng hưởng ứng và tự giác tham gia phong trào.

Ở thôn biên giới Phú Lâm đã hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập khá và ổn định
Ở thôn biên giới Phú Lâm đã hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập khá và ổn định

Từ một thôn biên giới nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc; đến nay, Phú Lâm đã hình thành nên vùng quê đáng sống với đường giao thông kiên cố, khang trang, hàng rào xanh mướt, bên trong mỗi hàng rào là những mái nhà no ấm, sung túc...

Để kịp hoàn thành khu dân cư kiểu mẫu theo tiến độ, Bí thư Chi bộ Ngô Văn Sơn và ban phát triển thôn đứng ra tín chấp, ứng trước nguồn vật liệu với giá trị hơn 100 triệu đồng xây dựng, hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch. Đồng thời, kết nối, kêu gọi Đồn Biên phòng Phú Gia - đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ lực lượng cùng người dân làm NTM. 

Ông Sơn bộc bạch: Khi biết tôi và mọi người đứng ra tín chấp vay hơn 100 triệu, nhà tôi lo lắm, sợ không trả nổi, sợ người dân không đóng góp thì lấy đâu mà đền. Nhưng tôi gạt phăng, bởi tôi tin tưởng vào ý chí, quyết tâm của người dân Phú Lâm trong việc xây dựng NTM là cùng làm, cùng hưởng.

Đánh giá về vùng quê biên viễn Phú Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Phú Gia Lê Công Anh cho biết: Cơ bản, thôn Phú Lâm đã hoàn thành các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu và đang chờ các cấp thẩm định, công nhận. Đây là thành quả của người dân thôn khó khăn nhất xã với đông đảo đồng bào dân tộc Lào sinh sống. 

Trong kết quả này, chúng tôi đánh giá cao vai trò kết nối, vận động, tuyên truyền cũng như cách làm dân chủ, bài bản của Bí thư Chi bộ Ngô Văn Sơn. Chính thành tích này của Phú Lâm đã góp phần giúp xã Phú Gia xây dựng, cán đích NTM nâng cao cũng như xây dựng Hương Khê sớm trở thành huyện NTM.