Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4

PV - 10:58, 11/10/2021

Sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4, dự kiến diễn ra từ ngày 11/10-14/10. Đây là phiên họp cuối để Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phía khách mời có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, đại diện lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Xem xét các nội dung với tinh thần trách nhiệm cao với cử tri và Nhân dân

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thường kỳ thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về những nội dung còn lại trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về công tác lập pháp, tại Kỳ họp thứ Hai, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 02 dự án luật và cho ý kiến về 05 dự án luật. Tại các phiên họp thường kỳ thứ 2 và thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với tất cả các dự án luật, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV. Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ theo hướng chuyển thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, bao gồm sửa đổi một số điều và sửa đổi Phụ lục, danh mục các chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là việc làm rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều hành kinh tế ở phương diện vĩ mô và phục vụ cho công tác quản lý, điều hành kinh tế tại các địa phương, nhất là các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trong cả nước. Do đó, tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án luật này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng dự án Luật có đủ điều kiện để trình Quốc hội và có thể thông qua theo quy trình tại một kỳ họp như đề xuất của Chính phủ hay không.

Về cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương, ngoài cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa đã được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 3, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương trong các Nghị quyết, Kết luận về phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Về quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ kết quả hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid- 19; việc lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách chính sách tiền lương. Lưu ý với tinh thần thẳng thắn, khách quan, toàn diện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích đánh giá, nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, quan trọng là chỉ rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và các bài học kinh nghiệm; đồng thời cho ý kiến về mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng và giải pháp chủ yếu cho năm 2022 có tính khả thi cao với mục tiêu rất rõ ràng.

Căn cứ các Nghị quyết Quốc hội về các khung kế hoạch 5 năm đã ban hành, đồng thời cập nhật tình hình, bối cảnh hiện nay, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Quy hoạch đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về xét xử trực tuyến theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao; việc xử lý tài chính cho Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Về công tác giám sát và công tác dân nguyện của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo thông lệ phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về 2 báo cáo của Chính phủ là: Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và hai năm 2019-2020; Việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ rõ được những bất cập của chính sách, pháp luật và khâu tổ chức thực thi; từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và việc làm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và các nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt hơn nữa khâu tổ chức thực hiện.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Nhân dân và cử tri, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn, khách quan cho ý kiến vào các Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa 14; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong năm 2021.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4

Áp dụng ngay một số đổi mới tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV

Về thời gian chương trình, nội dung, phương thức tổ chức Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của các cơ quan hữu quan, căn cứ vào tình hình thực tế, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cuối cùng về chương trình kỳ họp, thời gian và phương thức họp phù hợp với tinh thần những nội dung gì thực sự cần thiết và cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng và đảm bảo sự đồng thuận cao mới đưa vào chương trình kỳ họp để đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp nhất.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trước đó tại phiên họp thứ 2 và thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến sơ bộ về Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội và tại phiên họp này là phiên cuối để cho ý kiến về nội dung này để thống nhất phương án tổ chức họp trực tuyến kết hợp trực tiếp và giữa hai đợt họp có thời gian nghỉ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Phiên họp thứ 4 cũng là phiên họp cuối để chốt các nội dung trình Quốc hội. Trong trường hợp có nội dung cấp bách, cần thiết có thể báo cáo Quốc hội để cho phép tổ chức kỳ họp chuyên đề theo hình thức trực tuyến vào cuối năm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận thống nhất việc đề xuất một số đổi mới cần thiết phải áp dụng ngay tại Kỳ họp thứ Hai và việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Trong đó có việc chia tổ thảo luận trong điều kiện họp trực tuyến, biểu quyết trực tuyến…cần được báo cáo Quốc hội xem xét quyết định áp dụng tại Kỳ họp thứ 2.

Cùng với đó, để đảm bảo luật hóa việc tổ chức kỳ họp trực tuyến, theo Chương trình hành động của Quốc hội nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Quốc hội đang khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới và hoàn thiện, bổ sung các quy định về Nội quy của kỳ họp, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 tháng 5/2021.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Bảo đảm chất lượng phiên họp cao nhất với thời gian ngắn nhất

Với tinh thần đổi mới trách nhiệm kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan để chuẩn bị quá nhiều vòng một cách chu đáo và kỹ lưỡng các báo cáo, các tờ trình hoàn thiện, các báo cáo thẩm tra dự kiến sẽ được trình bày tại phiên họp lần này.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các cơ quan đã phối hợp rất chặt chẽ với nhau, làm việc không quản ngày đêm, chất lượng các báo cáo, tờ trình, báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có bước cải thiện.

Để đảm bảo cho chất lượng cao nhất của Kỳ họp thứ Hai, vừa đảm bảo tiết kiệm, rút ngắn thời gian họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với trách nhiệm của mình theo lĩnh vực được phân công phụ trách, nói sâu về lĩnh vực của mình, những đồng thời cũng phải có ý kiến về những lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chất lượng của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cao nhất với thời gian ngắn, tạo điều kiện tiền đề cho Kỳ họp Quốc hội được tổ chức thành công, rút ngắn được thời gian trong tình hình cấp bách, khó khăn của đất nước do tác động của đại dịch Covid-19.

* Sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021./.