Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ủy ban Thường vụ Quốc Hội giám sát chuyên đề tại tỉnh Sóc Trăng

N.Tâm - 10:12, 22/03/2023

Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tham gia Đoàn giám sát có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Tiếp đoàn giám sát có ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Đoàn công tác đánh cao về sự cố gắng thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đoàn công tác đánh cao về sự cố gắng thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của tỉnh

Sóc Trăng là tỉnh nằm cuối hạ lưu sông Hậu, với dân số là 1.195.741 người, trong đó có gần 31% đồng bào dân tộc Khmer và hơn 5% đồng bào dân tộc Hoa.

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản thuận lợi phù hợp với điều kiện thực tế. Mạng lưới trường, lớp học của tỉnh Sóc Trăng cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học và hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Song song đó, tỉnh cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, ưu tiên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đến thời điểm này đã hoàn thành Modun 9, đây là tiền đề để giáo viên hình thành thói quen dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh còn gặp một số khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, còn thiếu nhiều so với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Việc khai thác, sử dụng, bảo quản các trang thiết bị dạy và học một số nơi còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết công năng của các thiết bị. Hệ thống cơ sở vật chất trường học hiện nay dù được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng hầu hết được xây dựng lâu năm nên phần lớn chưa đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Sóc Trăng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại buổi giám sát với Tỉnh ủy Sóc Trăng

Một số trường học còn thiếu thư viện hoặc thư viện chưa đạt chuẩn, nhà vệ sinh xuống cấp, nguồn nước và hệ thống thoát nước chưa đảm bảo. Thiết bị dạy học không đồng bộ, hư hỏng, xuống cấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vẫn còn tình trạng quá tải về học sinh của cấp mầm non và tiểu học tại một số cơ sở giáo dục, đặc biệt là khu vực đô thị và khu công nghiệp nơi tập trung nhiều lao động.

Việc đánh giá học sinh theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT- BGDĐT và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện còn lúng túng, nhất là việc vận dụng để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh THCS và học sinh THPT còn thiếu sự quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình rèn luyện và học tập của từng học sinh.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ rà soát tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh là người DTTS, tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học, giai đoạn từ nay đến 2030. Tiếp tục bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vào dịp Hè với hình thức trực tiếp. Nghiên cứu và có sự điều chỉnh về Chương trình dạy bộ môn khoa học tự nhiên liên tục, đảm bảo việc tiếp thu kiến thức của học sinh liền mạch, sớm đào tạo giáo viên dạy bộ môn khoa học tự nhiên bảo đảm đúng chuẩn theo lộ trình năm 2025. Quan tâm rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để các trường đảm bảo chất lượng dạy học theo yêu cầu của chương trình, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên, nhân viên, đặc biệt là giáo viên các bộ môn đặc thù như ngoại ngữ, tin học và công nghệ.

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ nhận định, Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, người dân còn nhiều khó khăn, chưa thật sự quan tâm đến việc học của con, nhưng thầy cô giáo đã hết sức cố gắng vượt qua và bước đầu thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đoàn công tác thực hiện giám sát tại địa phương với mong muốn lắng nghe ý kiến từ nhà trường, giáo viên về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cũng như đề xuất, kiến nghị từ nhà trường, địa phương để đưa vào báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn thiện chính sách trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tặng thư viện sách cho học sinh Trường Huỳnh Cương
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tặng thư viện sách cho học sinh Trường Huỳnh Cương

* Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã đến làm việc tại Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương. Theo Ban giám hiệu, năm học 2022 - 2023, trường có 18 lớp với 617 học sinh, trong đó có 6 lớp 10 với 207 học sinh. Trường thực hiện 4 tổ hợp môn: Lý, Hóa, Sinh, Tin học; Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ (kỹ thuật); Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh, Tin học; Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý, Tin học.

Theo báo cáo của trường, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, tăng cường khả năng tự học của học sinh, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, phù hợp xu thế phát triển chung của thời đại. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, chẳng hạn cấp trung học cơ sở học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, khi đến lớp 10 học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nên không đồng bộ về kiến thức và sự định hướng của 2 chương trình...

Tại buổi giám sát, Đoàn cũng đặt ra một số vấn đề về định hướng giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn; giáo viên đã thay đổi như thế nào để phù hợp với sự đổi mới; nhu cầu được bồi dưỡng của giáo viên…

Nhân dịp tham gia cùng đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tặng cho thư viện cho học sinh Trường Huỳnh Cương 500 bản sách và 1.000 quyển tập.