Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Hoàng Quý - 19:13, 09/05/2023

Chiều 9/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD...

Dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD như: Sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại TCTD...

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như: Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD… Dự thảo Luật cũng rà soát, điều chỉnh kỹ thuật một số nội dung để đảm bảo rõ ràng, phù hợp, thống nhất với các Luật hiện hành.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Các TCTD (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các TCTD. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu và làm rõ đã sửa đổi, bổ sung và giữ nguyên bao nhiêu điều so với Luật hiện hành.

Để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động các tổ chức tín dụng trên thực tế, đồng thời tiếp tục thể chế hoá các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Một số ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo tiếp túc đánh giá, nghiên cứu các chính sách sâu sắc hơn và đưa ra số liệu, bằng chứng khoa học để tăng tính thuyết phục cho các đề xuất chính sách, làm cơ sở dự kiến nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao, trách nhiệm của Chính phủ trong quá trình xây dựng dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tích cực tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện hồ sơ dự án luật.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường hơn nữa năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng. Bổ sung cụ thể bố cục của dự thảo luật; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với chính sách cụ thể; hoàn thiện báo cáo, tài liệu có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án luật; thu thập bổ sung ý kiến của các đối tượng chịu tác động bảo đảm tính toàn diện, khả thi của dự án luật…