Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ủy ban Dân tộc: Tọa đàm về các đề tài khoa học

PV - 09:16, 17/11/2018

Ngày 16/11/2018, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&;CN) của Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Tọa đàm những phát hiện chính sách của hai đề tài khoa học thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 với nội dung, “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng KH&CN của UBDT chủ trì buổi Tọa đàm.

đề tài khoa học Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe báo cáo Đề tài “Hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu về dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” do PGS. TS Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc làm Chủ nhiệm. Theo báo cáo, Đề tài đã tổ chức 05 cuộc hội thảo, 15 cuộc tọa đàm tại nhiều cơ quan, bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố. Đề tài đã hệ thống các nghiên cứu thành các nhóm như: hệ thống chính trị và cơ sở, mô hình và quản lý công tác dân tộc, thiết chế xã hội truyền thống, hợp tác quốc tế trong công tác dân tộc… Đề tài đã đề xuất hướng nghiên cứu về dân tộc và công tác dân tộc trong giai đoạn tới. Cụ thể như: Nghiên cứu mô hình sinh thái gắn với sản phẩm địa phương; nghiên cứu quy hoạch chiến lược đối với từng vùng, từng nhóm tộc người để có định hướng trong quy hoạch phát triển KT-XH…

Các đại biểu dự Tọa đàm cũng được nghe Đề tài “Hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu về chính sách dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” do TS Trịnh Quang Cảnh làm chủ nhiệm. Đề tài đã tổ chức 15 cuộc tọa đàm, 5 cuộc hội thảo, mời 27 chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, đã hình thành đề cương cuốn sách “Hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu về chính sách dân tộc từ năm 1986 đến nay”.

Đề tài chỉ ra sự chồng chéo về một số nội dung, đối tượng, thời gian thực hiện chính sách; vốn và nguồn lực chưa đảm bảo; năng lực xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách… Chủ nhiệm Đề tài đề xuất, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc, có chính sách phát triển theo vùng, theo tộc người, hình thành chuỗi giá trị, tập trung một đầu mối. Cần đổi mới theo hướng trao quyền cho cơ sở, chú trọng vấn đề sức khỏe và môi trường.

Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học cơ bản nhất trí, và đánh giá cao hai đề tài và cho rằng, hai đề tài có tính khái quát cao, công phu và rất có hệ thống. Một số ý kiến khác đóng góp về các nội dung, như: Cần đẩy mạnh việc tạo sinh kế, định canh định cư cho đồng bào DTTS, chú ý đề tài an ninh môi trường, an ninh phi truyền thống; các nghiên cứu cần được rà soát để tránh sự trùng lặp.

Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đề nghị, Chủ nhiệm hai đề tài tiếp thu, lưu ý việc hệ thống đề tài phải tổng quan, có đánh giá mang tính chiều sâu, cách tiếp cận cụ thể, chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, tránh chung chung trước khi nghiệm thu và công khai.

MINH THU