Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ủy ban Dân tộc - Bộ Tư pháp: Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc

Thanh Huyền - 06:14, 21/04/2022

Ngày 20/4, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động phối hợp công tác từ năm 2014 - 2021, ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026

Tham dự, chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn, Y Thông; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc hai cơ quan.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc

Nhằm thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS, lồng ghép vào các chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, ngày 13/11/2014, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp đã ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2014 - 2021. Sau 7 năm phối hợp công tác, hai cơ quan đã hoàn thành tốt các Chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiến độ và chất lượng văn bản do hai bên phối hợp xây dựng đều được bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật luôn được quan tâm, chú trọng; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở đi vào chiều sâu, không ngừng đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của ngành dân tộc ngày càng được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ. Các đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp luôn chủ động, tích cực trao đổi, phối hợp trong công tác chuyên môn bằng nhiều hình thức linh hoạt. Ở địa phương, Chương trình phối hợp được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Ban Dân tộc và Sở Tư pháp chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, nghiệp vụ công tác thường xuyên, đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS là rất quan trọng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS là rất quan trọng

Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2022 - 2026 nhằm thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, thực thi văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ là người DTTS có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương…

Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2026, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; các chương trình, đề án, dự án, chính sách có liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hai cơ quan tăng cường phối hợp nghiên cứu, đưa các nội dung liên quan về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS để pháp luật hóa nhằm bảo tồn, phát huy.

Hai cơ quan cũng phối hợp kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hòa giải ở cơ sở; công tác trợ giúp pháp lý; công tác pháp chế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mong muốn hai cơ quan phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mong muốn hai cơ quan phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Công tác phối hợp thường xuyên thực chất, có trọng tâm, trọng điểm

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả phối hợp công tác giai đoạn vừa qua. Đặc biệt là hiệu quả trong quá trình tham mưu, xây dựng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc. Thời gian tới, hai cơ quan cần tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin; quan tâm đến các hoạt động trợ giúp pháp lý, các hoạt động trợ giúp pháp lý cần đi vào chiều sâu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý; quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; xây dựng các tủ sách pháp luật ở vùng đồng bào DTTS; phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền vận động…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2021được hai cơ quan chú trọng thực hiện thường xuyên, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả ấn tượng; các đơn vị chức năng của hai cơ quan luôn chủ động, tích cực trao đổi, phối hợp trong công tác chuyên môn bằng nhiều hình thức linh hoạt. Bộ Tư Pháp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc xây dựng Báo cáo kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc giai đoạn 2016 - 2021; tham gia góp ý, thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn, thời gian tới, hai cơ quan phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách có liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi; nghiên cứu xây dựng Luật về lĩnh vực công tác dân tộc; tham mưu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS; tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chú trọng củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác pháp chế, ngành công tác dân tộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho các cá nhân thuộc Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Tư pháp Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho các cá nhân thuộc Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Tư pháp Việt Nam

Nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi về nhận thức của đồng bào DTTS, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm chia sẻ: Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, song tình hình vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, việc am hiểu pháp luật của đồng bào DTTS còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Vì vậy, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ rất quan trọng.

Đồng tình với mục tiêu, giải pháp Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị, các đơn vị chức năng thuộc hai cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp, huy động sức mạnh, giải quyết những vấn đề bức xúc nhất. Bộ Tư pháp tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác pháp chế. Công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở cần phát huy vai trò của cán bộ người DTTS, Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Với đặc thù hệ thống chính sách pháp luật đa dạng, nhiều ngành, nhiều cấp độ, cần biên soạn, biên tập cho phù hợp với đồng bào DTTS. Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trên các phương diện để đưa thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho các cá nhân thuộc Bộ Tư pháp vì đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho các cá nhân thuộc Bộ Tư pháp vì đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo hai cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026.

Tại Hội nghị, 6 tập thể Ban Dân tộc các tỉnh và 3 tập thể, 9 cá nhân thuộc Bộ Tư pháp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2021 đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 6 cá nhân có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển khối Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 3 tập thể thuộc Bộ Tư pháp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2021
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 3 tập thể thuộc Bộ Tư pháp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2021

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” cho 5 cá nhân thuộc Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Tư pháp Việt Nam. 5 cá nhân và 1 tập thể thuộc Ủy ban Dân tộc cũng được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp vì đã có thành tích trong thực hiện Chương trình công tác giữa Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2014 - 2021.

Từ năm 2014 đến nay, tổng số văn bản pháp luật có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc được rà soát: 324 văn bản (Hiến pháp năm 2013; 85 bộ luật, luật; 5 nghị quyết của Quốc hội; 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 52 nghị định của Chính phủ; 11 nghị quyết của Chính phủ; 1 nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 118 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 49 thông tư, thông tư liên tịch; 2 quyết định của Bộ trưởng. 

Theo đó, phát hiện 10 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo (2 nghị định của Chính phủ; 6 thông tư, thông tư liên tịch; 2 quyết định của Bộ trưởng); 19 văn bản có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn (6 nghị định của Chính phủ; 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 7 thông tư, thông tư liên tịch); 19 chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. 

Đối với các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hiệu lực, kết quả rà soát cho thấy: 48 chính sách được tiếp tục thực hiện; 27 chính sách được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.