Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ưu tiên nguồn lực cho vùng DTTS, miền núi, vùng khó khăn

Thanh Huyền - 09:42, 08/11/2019

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã và đang diễn ra (từ ngày 6-8/11) với dấu ấn của Quốc hội “hỏi nhanh, đáp gọn”, “ tranh luận, phản biện” để đi đến cùng các vấn đề thuộc lĩnh vực: nông nghiệp, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi… là khẳng định của các thành viên Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn.

Tháo gỡ nút thắt trong xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi

Liên quan đến khó khăn trong xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các vùng DTTS, miền núi, hải đảo, vùng biên giới là những vùng nút thắt khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời gian tới, sẽ dồn sự chỉ đạo, dồn phương thức thực hiện ở những vùng khó khăn. Cùng với đó, làm sao khơi dậy được nội lực của dân, cùng chính sách của nhà nước, sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị thì tin tưởng sẽ có nhiều chuyển biến. Liên quan đến nguy cơ biến đổi khí hậu có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng NTM, đặc biệt là khu vực miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đang cố gắng chuẩn bị các phương án ứng phó, dự báo tốt hơn. Tới đây, sẽ coi việc đầu tư bền vững cho ứng phó với biến đổi khí hậu là nhóm được ưu tiên nhất.

Trả lời đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng nông sản bấp bênh, đời sống bà con vùng DTTS gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, cùng với bà con liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ người dân vùng DTTS miền núi giữ rừng, phát triển rừng. Bộ trưởng kỳ vọng, nếu Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được thông qua sẽ có thêm nhiều nguồn lực thực hiện chính sách liên quan đến nông nghiệp cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí xây dựng NTM cho phù hợp với thực tế từng vùng miền và tăng cường nguồn lực, chính sách cho miền núi, vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng di tích và căn cứ cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong thực hiện liên kết sản xuất, hình thành cơ cấu sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi. Thực hiện các giải pháp khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ.

Việc đảm bảo cung cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn

Liên quan đến việc đảm bảo việc cung cấp điện cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, mặc dù là một đề án chính trị rất quan trọng của Đảng và Nhà nước nhưng không đảm bảo thực hiện được theo đúng tiến độ. Bộ Công Thương đã chủ động theo sự chỉ đạo của Chính phủ làm việc tiếp với Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu, đã chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ tín dụng ưu đãi của hai tổ chức này với quy mô lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, như vậy có thể đủ điều kiện để tiếp tục triển khai các hợp phần của các dự án này. Tuy nhiên, tiến độ đến năm 2020 để hoàn thành thì không đảm bảo tiến độ.

“Chúng tôi thiết tha báo cáo với Chính phủ và kiến nghị với Quốc hội xem xét cho phép chúng ta tiếp tục sử dụng những nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế để phục vụ cho việc triển khai thực hiện dự án này vì là dự án rất quan trọng trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2021 tới năm 2025”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nhiều vấn đề liên quan đến công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức…đã được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Tinh giản biên chế đạt được kết quả khả quan. Khối hành chính nhà nước, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện, mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Bộ trưởng thừa nhận việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống… 


Tin cùng chuyên mục