Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ươm mầm tình yêu cho câu hò, điệu ví

PV - 15:33, 15/11/2021

Đến giờ, chị Trần Thúy Ái (sinh năm 1975), công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh không thể nhớ hết số lần đứng lớp truyền dạy dân ca. Một cách lặng lẽ và cần mẫn, chị đã ươm mầm tình yêu cho những câu hò, điệu ví đến với nhiều người dân trên địa bàn. Với chị Thúy Ái, đây cũng là một cách để mình tri ân với đời, với nghề.

Hằng ngày, chị Thúy Ái miệt mài tập luyện dân ca. (Ảnh: Q.H)
Hằng ngày, chị Thúy Ái miệt mài tập luyện dân ca. (Ảnh: Q.H)

Ánh sáng cuộc đời

Theo dõi các lễ hội bài chòi quy mô lớn ở Quảng Trị, khó ai có thể rời mắt trước một chị hiệu xinh đẹp, có giọng dân ca như rót mật vào tai. Ít ai biết, phần lớn người hô thai trong lễ hội đều do chị hiệu ấy và đồng nghiệp đào tạo, chỉ dẫn. Chị cũng chính là người “bài binh, bố trận” để hội bài chòi thu hút ngay cả những khán giả khó tính nhất. Cũng vì thế, nên phần lớn người yêu bài chòi đều biết đến chị Trần Thúy Ái.

Nhìn chị Thúy Ái biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu, hay hòa mình trong lễ hội bài chòi, hiếm ai nghĩ, người phụ nữ này lại lớn lên trong mặn chát nước mắt và mồ hôi. Sinh ra trong một gia đình nông dân, đông anh em, chị Thúy Ái sớm quen với cảnh nghèo khổ. Năm chị lên 9 tuổi, căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người mẹ dịu hiền của chị. Hai năm sau đó, ba chị Ái cũng qua đời, để lại 7 người con bơ vơ. “Là con gái út, tôi thèm hơi ấm của ba mẹ lắm. Lúc còn nhỏ, hầu như tối nào tôi cũng thấy ba mẹ về, ru con ngủ bằng những làn điệu dân ca”, chị Thúy Ái bùi ngùi kể.

Sau khi ba mẹ qua đời, gia đình chị Thúy Ái phải sống trong cảnh ly tán. Các anh, chị của chị Thúy Ái phải bươn bả nhiều nơi để tìm đường sống. Ở nhà lo việc khói hương, mỗi lần nghe làn điệu dân ca cất lên từ chiếc loa phóng thanh thôn, nỗi nhớ ba mẹ, anh chị lại cuộn dâng trong trái tim cô gái nhỏ. Không biết từ bao giờ, chị Thúy Ái chọn điệu ví, câu hò để nói hộ lòng mình. Giọng hát của chị được bà con chòm xóm rất yêu thích. Dẫu vậy, không ai ngờ cô gái ngày ngày chăn trâu, bứt cỏ lại quyết định thi tuyển vào Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, lớp được tổ chức tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chị Thúy Ái chia sẻ: “Nghe đoàn công tác của nhà trường về các địa phương tìm người có năng khiếu, tôi mượn tấm áo của chị dâu để đi dự thi. Tôi hy vọng đây là con đường để mình thoát cảnh đói ăn, khát chữ. Trên cả mong đợi, cả lần thi ở Quảng Trị lẫn tại Thừa Thiên Huế, điểm số của tôi đều thuộc tốp đầu”.

Đối với chị Thúy Ái, việc trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước như ánh nắng ấm áp giữa tuổi thơ đầy giông gió. Từ đây, được sự quan tâm của nhà trường, chị không còn phải sống trong nỗi lo cơm áo. Ước mơ đến trường, học những làn điệu dân ca trở thành hiện thực đối với chị. Vì thế, chị Thúy Ái trân quý từng ngày được đào tạo, tập luyện. Mọi khó khăn, thử thách buổi đầu làm quen với kịch hát dân tộc, dân ca trở nên nhẹ bẫng đối với chị. Ngay trong thời gian đi học, chị Thúy Ái đã kiếm được tiền nhờ giọng hát của mình.

 Chị Thúy Ái trong một lễ hội bài chòi. (Ảnh: Q.H)
Chị Thúy Ái trong một lễ hội bài chòi. (Ảnh: Q.H)

Duyên nợ với điệu ví, câu hò

Chị Thúy Ái luôn tin vào chữ duyên. Dù khởi đầu bằng sự lựa chọn, nhưng cái duyên đã giúp chị gắn bó đậm sâu với dân ca. Thực tế, học kịch hát dân tộc, dân ca dễ mà khó. Dễ là hầu như ai cũng có thể hát được, còn khó ở chỗ làm sao để thể hiện trọn vẹn mọi cung bậc tình cảm trong từng nốt nhạc, cách luyến láy, nhịp phách… Cùng vào lớp với chị Ái, nhiều người đã ngậm ngùi bỏ cuộc giữa chừng. Về phần mình, sau khi tốt nghiệp, cũng có thời điểm, chị Thúy Ái đã rẽ sang lối khác. Thế nhưng, cái duyên với nghề vẫn son đỏ, đưa chị quay trở lại.

Sau khi tốt nghiệp và về làm việc ở Đoàn Ca kịch Thừa Thiên Huế, rồi tiếp tục vào TP. Hồ Chí Minh học tập, cuối cùng, tiếng gọi của trái tim đã thôi thúc chị Ái trở về quê hương. 13 năm làm cán bộ Tỉnh đoàn, giọng dân ca ngọt ngào theo chị Ái vang lên trong nhiều hoạt động, phong trào. Bấy giờ, các đoàn viên, thanh niên luôn mong có dịp được nghe chị hát. Mọi người ví giọng dân ca của chị có… men say.

Tiếng thơm về một nữ cán bộ đoàn có tiếng hát làm say lòng người, lại được đào tạo bài bản sớm truyền đến tai những cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh. Không lâu sau đó, chị Thúy Ái được mời về dạy dân ca. Đây cũng chính là điểm khởi đầu cho sự nghiệp ươm mầm của chị.

Sau khi đến công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, chị Thúy Ái có nhiều thời gian hơn để sống, làm việc với những làn điệu dân ca. Là Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, chị Thúy Ái cùng đồng nghiệp dồn sức hồi sinh, bảo tồn, phát triển những làn điệu dân ca.

Để làm được điều đó, chị đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức. Người cán bộ tâm huyết đến từng miền quê để khảo sát, tìm hiểu, làm việc với lãnh đạo địa phương đặt vấn đề mở lớp dân ca. Thông thường, mỗi lớp dạy hát dân ca kéo dài 15 - 20 ngày với sự tham gia của khoảng 40 học viên. Việc giữ vững sĩ số là thử thách rất lớn đối với người đứng lớp. Vì thế, chị Ái luôn nhắc nhủ anh em trong phòng phải dồn tất cả tâm huyết với công việc này.

Điều khiến chị Ái rất mừng, là tình yêu dân ca của người đứng lớp đã được truyền sang trọn vẹn cho các học viên. Có những ngày cô trò say sưa tập luyện đến mức quên giờ nghỉ. Kết thúc khóa học, nhiều học viên xin cô giáo đi theo để học nghề hoặc tham gia lớp kế tiếp. Đó là điều khiến chị rất mừng. Một niềm vui còn lớn hơn, là chị Ái và đồng nghiệp đã phát hiện nhiều giọng dân ca quý. Họ sớm trở thành bạn diễn với chị Thúy Ái ở các hội thi, hội diễn, sân khấu lớn và cùng gặt hái nhiều thành tích cao.

Chị Thúy Ái (người đứng) hướng dẫn học viên hát dân ca. (Ảnh: NVCC)
Chị Thúy Ái (người đứng) hướng dẫn học viên hát dân ca. (Ảnh: NVCC)

Niềm vui người gieo hạt

Đến giờ, chị Thúy Ái đã giảng dạy hàng chục lớp dân ca với sự tham gia của hàng trăm học viên. Cái tên “cô giáo dân ca” được mọi người trìu mến đặt cho chị. Trong công việc, điều trăn trở duy nhất với chị Thúy Ái là số lượng bạn trẻ yêu và gắn bó với dân ca chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ước mong thấy mình năm 16 tuổi ở một học viên nào đó vì thế cứ rưng rức trong chị. “Để các bạn trẻ theo học dân ca, điều đầu tiên là phải thu hút, giúp họ thấy cái hay, cái đẹp của những làn điệu mà ông cha để lại”, chị Thúy Ái xác định.

Suy nghĩ như thế, nên chị Thúy Ái rất vui khi năm 2017, bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đúng như dự đoán của chị Thúy Ái, UBND tỉnh Quảng Trị sớm có đề án về việc truyền dạy, giữ gìn nghệ thuật bài chòi. Xác định đây là cơ hội để thu hút mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đến với dân ca, chị Thúy Ái cùng các hạt nhân dân ca khác đã nghiên cứu, tìm hiểu, tập luyện, lên chương trình bài chòi. 30 con bài được xướng lên bằng những làn điệu dân ca từ xa lạ bỗng trở nên gần gũi, quen thuộc với chị Thúy Ái.

Là chủ công trong những lễ hội bài chòi, chị Ái và đồng sự phải dồn rất nhiều tâm sức. Việc tập ngày, tập đêm trở thành chuyện cơm bữa đối với chị. Đến giờ, chị vẫn nhớ như in lễ hội bài chòi đầu tiên do tỉnh tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Để chương trình thành công, trong một thời gian ngắn chuẩn bị, chị cùng các anh hiệu, chị hiệu khác phải ráo riết tập luyện. Hôm công diễn, ngoài làm chị hiệu, chị Ái còn lo liệu nhiều công việc khác. Dẫu bận rộn nhưng gương mặt chị vẫn luôn rạng rỡ. Chị vui vì trong số khán giả của mình, có khá đông các bạn trẻ và có người đã tìm đến chị hỏi về bài chòi, về dân ca.

Từ ngày “cô giáo dân ca” trở thành chị hiệu, công việc của chị Ái bận rộn, vất vả hơn. Dẫu vậy, chị không cảm thấy mỏi mệt. Chị hạnh phúc với công việc ý nghĩa mà mình đã và đang làm. Từ sâu thẳm, người phụ nữ yêu dân ca như máu thịt này tự hứa với lòng mình sẽ dồn hết tâm sức để gìn giữ, phát huy những làn điệu cha ông để lại như một cách tri ân với đời, với nghề./.