Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ứng phó với lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An: Nhiều khó khăn thách thức

An Yên - 07:01, 14/11/2020

Lũ ống, lũ quét đang đe dọa đến an nguy của hàng nghìn người dân Nghệ An mỗi mùa bão. Để giải quyết dứt điểm thực trạng này là điều không hề dễ dàng, trước mắt chính quyền các cấp của tỉnh cũng chỉ mới dừng lại ở việc tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo và tổ chức di dời một số hộ dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhất.

Sạt lở tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn tháng 9/2020
Sạt lở tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn tháng 9/2020

Hàng trăm điểm “báo động đỏ”

Quế Phong là huyện miền núi cao Nghệ An thường xuyên đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão. Nhiều năm qua, những trận lũ quét từng xảy ra ở địa bàn miền núi này khiến người dân và chính quyền địa phương bất an, lo lắng.

Trong số hàng chục điểm “báo động đỏ” về nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét tại Quế Phong, Nậm Giải là khu vực khiến nhiều người “ớn lạnh” mỗi khi nhắc đến trong mùa mưa bão. Còn nhớ, 13 năm về trước (2007), nơi đây đã xảy ra trận lũ quét khiến 2 bản đồng bào DTTS của xã Nậm Giải đã tan hoang, 13 người dân mất tích cùng hàng trăm nhà cửa, trường học bị cuốn trôi.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quế Phong cho biết: Địa phương có khoảng trên 300 hộ nằm vùng nguy cơ lũ quét, lũ ống. Đây là thực tế đáng lo bởi địa hình đồi núi có độ dốc lớn nên khi xảy ra lũ thường gây ra hậu quả nặng nề đến người và tài sản.

Tương tự, huyện vùng cao Kỳ Sơn cũng đang có hàng chục điểm “báo động đỏ” về lũ ống, lũ quét. Trong số các huyện miền núi cao ở Nghệ An, Kỳ Sơn có địa bàn phức tạp về địa chất bởi ngoài nguy cơ về lũ ống, lũ quét là nỗi lo sạt lở đất. Trong đợt mưa lũ, do ảnh hưởng của các cơn bão số 7, 8, 9 vừa qua, huyện Kỳ Sơn đã buộc phải lên phương án di dời khẩn cấp hàng nghìn hộ dân tại nhiều xã như Mường Típ, Mường Ải, Nậm Càn… đến khu vực an toàn.

Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn thông tin: Các xã như Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý, Na Ngoi, Nậm Càn, Keng Đu có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét. Huyện rất trăn trở, lo lắng trước thực tế ấy nên mỗi khi có mưa bão đã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người dân cảnh giác; vận động sơ tán kịp thời để bảo đảm an toàn.

Sạt lở tại địa bàn xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn tháng 10/2020
Sạt lở tại địa bàn xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn tháng 10/2020

Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh đang có 280 điểm được cảnh báo nguy cơ lũ quét, lũ ống có thể xảy ra, chủ yếu nằm ở 17 xã thuộc 6 huyện miền núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông. 280 điểm “báo động đỏ” ấy đang đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của 2.575 hộ với trên 15.000 người trong mùa mưa bão nếu không được sơ tán kịp thời.

Nỗi lo an cư

Thực tế cho thấy, gần như năm nào, trên địa bàn Nghệ An cũng xảy ra sự cố lũ ống, lũ quét khiến nhiều nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng người dân bị dòng nước cuốn trôi. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người dân yên tâm ổn định cuộc sống thì vấn đề cốt lõi là phải di dời người dân vùng nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét đến vùng an toàn.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều địa phương đang kêu khó trong việc triển khai phòng chống, khắc phục, di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, mỗi khi đến mùa mưa bão, địa phương đều đã cảnh báo, tuyên truyền, nhắc nhở các điểm nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét để người dân chủ động phòng tránh. Khuyến cáo các xã vùng nguy cơ tích trữ nhu yếu phẩm trước mùa mưa bão để phòng lũ quét cô lập.

Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài thì vẫn đang có nhiều khó khăn. Bởi công tác di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ cần kinh phí lớn. Chưa kể, để tìm được mặt bằng phù hợp để di dời cũng rất đau đầu vì địa hình rất dốc, nhiều đồi núi. Ngoài ra, tập quán của đồng bào đã định cư hàng chục, hàng trăm năm, nay do vận động người dân di dời không hề dễ.

Một điểm sạt ở trên địa bàn huyện Anh Sơn tháng 10/2020
Một điểm sạt ở trên địa bàn huyện Anh Sơn tháng 10/2020

Tại huyện Kỳ Sơn, rất nhiều giải pháp trước mắt đã được huyện triển khai thực hiện để đề phòng lũ ống, lũ quét. Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn thông tin: Huyện đã phối hợp với nước bạn Lào trong việc cập nhật thông tin lượng nước từ thượng nguồn Lào chảy về để có các biện pháp phòng chống lũ quét. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.

Theo ông Hòe, địa phương rất vất vả trong việc di dời, sơ tán dân khi mưa lũ tại các xã nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét ở Mường Ải, Mường Típ… Về giải pháp lâu dài, ông Hòe đề nghị: Một mình huyện là không kham nổi nên chúng tôi mong muốn cấp trên hỗ trợ kinh phí, tổ chức tập huấn thêm để người dân hiểu và phòng tránh hiệu quả hơn.

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, từng bước bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với sinh kế các khu vực có nguy cơ cao. Trước mắt, chính quyền Nghệ An đang từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét; phối hợp với nước bạn Lào để nắm bắt tình hình nước từ thượng nguồn đổ về, từ đó có phương án phòng tránh lũ quét ở các huyện giáp biên giới.