Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt

Lam Anh (t/h) - 06:55, 23/03/2022

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt" được tổ chức chiều 22/3, với sự tham gia của các chuyên gia từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và các đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nông sản.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: "Truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị". Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: "Truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị". Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, trong nền kinh tế 4.0, thông tin về sản phẩm hàng hóa từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ phản ánh toàn diện các yếu tố liên quan. Nguồn thông tin này có thể được dùng vào rất nhiều việc trong đó có việc tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, dự báo, tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.

Ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo yêu cầu nhập khẩu của các nước. Kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu sẽ giúp nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi.

Tại Hội thảo, ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ khẳng định, truy xuất nguồn gốc những năm gần đây đã từng bước góp phần chuyển đổi số trên thực tế doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực, giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách, kế hoạch. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Ứng dụng nền tảng số để hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt
Ứng dụng nền tảng số để hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt

Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đã có những bài tham luận liên quan đến truy xuất nguồn gốc và ứng dụng số hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ sản phẩm Việt, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị số hóa, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Với mục tiêu kết nối – chia sẻ và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đang được Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia triển khai xây dựng, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2022.